Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đáp án 2 câu hỏi 'drama' trong đề thi Giáo dục Công dân

Sau buổi thi môn tổ hợp sáng 8/7, 2 câu hỏi tình huống trong đề thi mã 310 môn Giáo dục Công dân được cộng đồng mạng quan tâm.

Cụ thể, ở câu 111, mã 310, đề bài như sau:

Thôn X có ông A; vợ chồng anh G, chị S; vợ chồng anh H, chị Y và con gái là cháu M cùng sinh sống. Vốn có định kiến từ trước nên khi thấy chị S vào nhà mình, chị H cho rằng chị S có mục đích xấu nên đã tri hô và hỗ trợ anh Y đuổi đánh chị S.

Sau đó ít lâu, bị chị S đưa tin sai sự thật về mình, anh Y bí mật giam chị tại một ngôi nhà hoang. Qua hai ngày chị S mất tích, anh G phát hiện sự việc nên đã thuê ông A dùng hung khí đe dọa giết anh Y, buộc anh Y phải thả vợ mình.

Khi bác sĩ yêu cầu chị S phải nằm viện điều trị do bị sang chấn tâm lý, anh G bắt cháu M rồi quay và gửi video cảnh cháu ngất xỉu do bị bỏ đói cho anh Y để gây sức ép, yêu cầu anh Y phải trả viện phí cho vợ mình.

Những ai sau đây đồng thời vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe của công dân?

A. Anh G, anh Y và chị H

B. Anh G và chị H

C. Anh Y và anh G

D. Ông A, anh Y và chị S

Cau hoi kho trong de Giao duc Cong dan anh 1

Giáo viên giải đáp 2 câu hỏi "drama" trong đề môn Giáo dục Công dân. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền, giáo viên trường THPT Einstein (Hà Nội) giải thích câu hỏi này như sau:

Ở trong tình huống này, anh Y có hành vi đánh đuổi chị S. Như thế, anh S đã vi phạm quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe. Khi anh S bí mật giam chị S tại một ngôi nhà hoang, anh đã vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể.

Với anh G, khi anh G thuê ông A dùng hung khi đe dọa giết anh Y, anh ta đã vi phạm quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe. Bên cạnh đó, hành vi bắt cháu M của anh G cũng vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể.

Như vậy, những người đồng thời vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe của công dân là anh Y và anh G. Đáp án đúng là C.

Tiếp theo, câu hỏi 114 trong mã đề 310 cũng được cộng đồng mạng quan tâm. Nội dung câu hỏi như sau:

Anh M là Chi cục trưởng Chi cục X chở chị S là nhân viên đi công tác bằng xe môtô. Trên đường đi, anh M đã vượt đèn đỏ nên bị anh C là cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe. Vào thời điểm anh C lập biên bản và ra quyết định xử phạt anh M; cách đó không xa, anh N là tài xế xe taxi bị hành khách trên xe là anh G khống chế, dùng dao đâm vào bụng. Sau khi thoát khỏi xe và kêu cứu, anh N ngã gục xuống đường.

Lợi dụng lúc này, anh G bỏ chạy. Anh C nhờ người đưa anh N đi cấp cứu còn mình truy đuổi anh G. Thấy trong quyết định xử phạt anh M có ghi thêm lỗi đi sai làn đường dù anh M không vi phạm, chị S đã đưa sự việc lên mạng xã hội.

Không ngờ hành động của chị S khiến việc anh M bị xử phạt bị lan truyền rộng rãi, dẫn đến uy tín của anh M bị ảnh hưởng. Bức xúc, anh M đã tạo tình huống để chị S mắc lỗi nghiêm trọng rồi dựa vào đó thực hiện quy trình kỷ luật và chị S phải nhận quyết định buộc thôi việc.

Những ai sau đây có thể vừa thực hiện quyền khiếu nại vừa được thực hiện quyền tố cáo?

A. Chị S và anh N

B. Anh M, anh N và chị S

C. Anh C, anh M và anh G

D. Chị S và anh M

Trong tình huống trên, chỉ có chị S và anh M có thể vừa thực hiện quyền khiếu nại vừa được thực hiện quyền tố cáo.

Cụ thể, anh M có thể thực hiện quyền tố cáo chị S với hành vi chia sẻ quyết định xử phạt anh lên mạng xã hội dẫn đến uy tín của anh M bị ảnh hưởng. Anh M cũng có thể khiếu nại đối với quyết định xử phạt ghi thêm lỗi sai làn đường mà anh không vi phạm.

Còn chị S được thực hiện quyền tố cáo đối với hành vi vượt đèn đỏ của anh M hoặc tố cáo hành vi anh M đã tạo tình huống để chị S mắc lỗi nghiêm trọng. Đồng thời, chị S có thể thực hiện quyền khiếu nại với quyết định buộc thôi việc từ cơ quan.

Theo cô Huyền, một trong những đặc trưng của đề thi môn Giáo dục Công dân là câu hỏi mức độ vận dụng cao sẽ có nhiều tình huống, nhiều câu chữ để làm nhiễu thông tin, khiến học sinh bối rối khi giải đề.

Cô giáo khuyên học sinh cần "tỉnh" khi làm những câu hỏi "drama", đặc biệt phải nắm chắc lý thuyết và kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, biết lọc bỏ những thông tin không liên quan câu hỏi. Ngoài ra, các em phải biết sử dụng từ khóa trong câu hỏi, biết phân tích và dùng phương pháp loại trừ. Khi đó, việc giải đề và tìm đáp án đúng sẽ dễ dàng hơn.

Nhận xét của cô Nguyễn Thị Thu Huyền về đề thi Giáo dục Công dân trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 như sau:

1. Nội dung đề thi gồm hai phần kiến thức:

- Công dân với kinh tế (chiếm 10% tương đương với 4 câu)

- Công dân với pháp luật (chiếm 90% tương đương với 36 câu).

2. Cấu trúc đề thi gồm 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Trong đó những câu hỏi ở mức vận dụng cao nếu học sinh không đọc kỹ câu hỏi và tình huống sẽ dễ chọn nhầm đáp án.

3. Đề thi hay, có độ phân hóa cao hơn so với đề thi tham khảo tốt nghiệp THPH 2021.

4. Phổ điểm trung bình dự kiến: 8,25.

Đề thi, gợi ý đáp án môn Giáo dục Công dân tốt nghiệp THPT 2021

Zing cập nhật đề thi và gợi ý đáp án đề môn Giáo dục Công dân, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Minh Thúy

Bạn có thể quan tâm