Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc sống nguy hiểm gần bãi rác phóng xạ

Tỷ lệ thanh niên mắc bệnh ung thư tại một thị trấn ở Kyrgyzstan đang tăng tới mức cao do ảnh hưởng của chất thải phóng xạ dưới lòng đất.

Người dân tại thị trấn Mailuu-Suu, Kyrgyzstan sống trong nỗi lo âu về các chất thải phóng xạ. Ảnh: Yupi

Theo The Guardian, các công nhân tại thị trấn Mailuu-Suu từng nhận mức lương cao cho công việc nguy hiểm. Họ sản xuất khoảng 10.000 tấn phóng xạ uranium ở giai đoạn từ năm 1946 tới năm 1967 để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy năng lượng nguyên tử và vũ khí hạt nhân nước ngoài. Các công nhân cũng chôn hàng triệu tấn chất thải độc hại dọc theo các sông ở thị trấn. Hồi ấy họ chưa nghĩ tới hậu quả của việc chôn chất thải tới sức khỏe cộng đồng.

"Chủ mỏ thường chú trọng tới lợi nhuận, sản lượng thay vì các tiêu chuẩn về an toàn, sức khỏe và môi trường", báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) năm 2010 cho biết. Theo IAEA, giới chức Kyrgyzstan cần dọn sạch các bãi chất thải độc hại ở thị trấn Mailuu-Suu.

Nhóm chuyên gia chống ô nhiễm tại Viện Blacksmith cho hay, tỷ lệ người mắc ung thư và miễn dịch kém ở thanh niên ở thị trấn đang tăng tới mức cao.

Dược sĩ Ainagul Parpibaeva, một nhân viên tại bệnh viện trung tâm Mailuu-Suu, mô tả: "Bệnh tật là hiểm họa lớn ở thị trấn. Phần lớn nạn nhân mắc bệnh ung thư. Nguyên nhân có thể xuất phát từ các mỏ uranium nhưng chính phủ không thông báo hoặc can thiệp". 

Người dân phàn nàn với Parpibaeva về các triệu chứng giống nhau ở nhiều người. "Trẻ em thường có dấu hiệu buồn nôn và nôn nhiều", vị dược sĩ nói thêm.

Mọi người tại thị trấn có thể kể về cái chết của bạn bè hoặc người thân trong thời gian gần đây. Phần lớn họ chết do bệnh ung thư. Mức độ ô nhiễm ở thị trấn luôn ở mức báo động song công tác xử lý vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Các dòng sông tại thung lũng Ferghana, phần chạy qua Kyrgyzstan, bị ô nhiễm nặng nề bởi các bãi rác phóng xạ. Ảnh: Alamy

Giới chức Kyrgyzstan khẳng định họ đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết để xử lý chất thải độc hại song người dân lại phàn nàn rằng chính phủ không can thiệp và cảnh báo người dân. Chinara Sarieva, người dân thị trấn Mailuu-Suu, cho biết: "Ngay cả các bác sĩ cũng không cho chúng tôi biết thông tin và cảnh báo về các vấn đề sức khỏe khi chúng tôi tiếp cận bãi rác độc hại".

Đứng trên một bãi rác phóng xạ, Kanybek Kydyrov, nhân viên của bộ Tình trạng khẩn cấp Kyrgyzstan, cho biết uranium đang rò rỉ xuống con sông ở gần đó. Lũ trẻ bắt cá dưới sông còn người dân vẫn chăn dê trên những bãi rác phóng xạ. 

Okumzhan Maksutaliev, phó giám đốc bệnh viện của thị trấn, đã chứng kiến sự gia tăng của số lượng người mắc bệnh ung thư trong những năm gần đây. Nhưng ông nghĩ đây là hiện tượng bình thường. "Số bệnh nhân mắc bệnh ung thư đều tăng trên khắp thế giới chứ không chỉ riêng ở thị trấn Mailuu-Suu", ông giải thích.

Tháng 12/2013, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các quốc gia Trung Á dọn dẹp khu vực rác thải độc hại nhưng giới chức địa phương cho biết quá trình dọn dẹp diễn ra rất chậm. Người dân nghi ngờ tình trạng thiếu thông tin và nạn tham nhũng gây nên tình trạng ấy. "Giới chức địa phương nhận khoản tiền do quốc tế hỗ trợ để xử lý rác độc hại. Nhưng họ không sử dụng chúng vào mục đích đó mà chỉ đút vào túi riêng", dược sĩ Parpibaeva nhận định.

Thị trấn Mailuu-Suu là một trong 7 khu vực ở Kyrgyzstan chứa các bãi rác phóng xạ với lớp quặng cuối, phế phẩm của quá trình sản xuất quặng uranium. Con số thống kê của Kyrgyzstan cho thấy quốc gia này sở hữu 92 bãi rác độc hại với khoảng 475 triệu tấn chất thải. 1/4 lượng chất thải nằm gần Mailuu-Suu. Các kim loại nặng ngấm vào nước, phóng xạ cùng khí độc radon là mối bận tâm lớn đối với người dân và các cơ sở y tế tại thị trấn.

Bi kịch của nạn nhân nhiễm phóng xạ từ thảm họa Chernobyl

Nhiều đứa trẻ mắc dị tật hoặc bệnh nguy hiểm ngay từ khi chào đời vì cha, mẹ nhiễm phóng xạ từ vụ nổ ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl gần 3 thập kỷ trước.

Nguyễn Thái

Bạn có thể quan tâm