Tahera, một sinh viên 21 tuổi người Afghanistan, thất thần nhìn ra ban công hướng về phía tượng Nữ thần Tự do mô phỏng trong một khu nghỉ dưỡng ven biển ở Albania - một quốc gia thân Mỹ.
Nói chuyện với phóng viên của New York Times trong tình trạng chấn thương tâm lý sau một tuần chịu đựng sự cai trị của Taliban ở Afghanistan và 3 ngày kinh hoàng chờ đợi chuyến bay ra khỏi Kabul, cô chia sẻ: “Tôi đã nghĩ một lúc rằng có lẽ tôi đang ở New York”.
Bức tượng trang trí, cùng với khung cảnh xa hoa trong khu nghỉ dưỡng, dường như tương phản với nỗi lòng của hơn 440 người tị nạn Afghanistan đang ở đây.
Trước khi đáp xuống Albania - một đất nước cô chưa từng nghe nói đến, Tahera đã hy vọng có thể đến Mỹ hoặc Anh, nơi chú cô đang ở.
Trong khi các cường quốc thận trọng trong việc tiếp nhận người tị nạn Afghanistan, Tahera và nhiều đồng hương đã dừng chân tại một trại tị nạn có thể nói là lạ lùng và sang trọng bậc nhất thế giới.
Albania, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, đã cam kết tiếp nhận tới 4.000 người tị nạn từ Afghanistan, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
677 người đã đến, bao gồm khoảng 250 trẻ em, đang được gửi đến các khu nghỉ dưỡng dọc theo bờ biển Adriatic - nơi từng là chốn ở tạm thời cho những người mất nhà cửa sau trận động đất kinh hoàng năm 2019 ở nước này.
Dù người Afghanistan rất biết ơn về sự tiện nghi, nhưng việc sống trong sự xa xỉ như vậy ở bối cảnh hiện tại lại khiến nhiều người cảm thấy không dễ chịu.
Gặp ác mộng dù ở “thiên đường”
Parwarish, một nhà hoạt động vì phụ nữ Afghanistan, nói rằng cô rất cảm động trước lòng tốt của người Albania, nhưng cô vẫn luôn gặp ác mộng.
“Trong mơ, tôi thấy gia đình mình đang hấp hối. Những thứ xa xỉ này sẽ thật tuyệt nếu lòng ta thanh thản. Tôi thì không”, cô nói.
Wahab, một nhà báo từng giúp điều hành một hãng thông tấn do Mỹ tài trợ đưa tin về các vấn đề phụ nữ ở thành phố Herat, miền Tây Afghanistan, cho biết anh chưa bao giờ mong đợi được sống trong một nơi có cơ sở vật chất sang trọng như vậy. Anh bỏ trốn khỏi Afghanistan cùng vợ và ba đứa con, với sự giúp đỡ của Quỹ Quốc gia vì Dân chủ.
“Chúng tôi là những người tị nạn sang trọng”, anh nói đùa. “Chúng tôi ngủ, ăn và đi dạo bãi biển. Đối với hầu hết mọi người, điều này có vẻ giống như thiên đường”.
Tuy nhiên, với những người vừa thoát khỏi tình trạng hỗn loạn ở Afghanistan như Wahab, “thiên đường” ở Albania dường như cũng không thể xoa dịu vết thương tâm lý.
Anh không thể ngừng nghĩ về 8 trạm kiểm soát của Taliban mà chiếc xe khách chở anh và gia đình từ Herat đến Kabul phải đi qua. Anh không thể bỏ khỏi tâm trí hình ảnh của thủ đô Kabul mà anh nhìn thấy lần cuối khi chuyến bay sơ tán của anh cất cánh. Kabul - nơi đang nằm trong sự kiểm soát của Taliban ngày hôm đó "trông rất, rất tăm tối", anh nói.
Một biên tập viên - có gia đình vẫn đang bị Taliban đe dọa ở Afghanistan - nói rằng cô đã "mất hết hy vọng ở Afghanistan" và tin rằng Mỹ "có lý do để rời khỏi đất nước của chúng tôi, bởi vì không có gì thực sự thay đổi”.
Cô nói: “Bất kỳ thay đổi nào chúng tôi đạt được đều đã được nhân với số 0. Chúng tôi đã trở lại vạch số 0”.
Tahera, sinh viên 21 tuổi, chưa bao giờ có ý định rời Afghanistan. Tuy nhiên, vì là phụ nữ và là thành viên của dân tộc thiểu số Hazara thường xuyên bị đàn áp, cô tin rằng mình không có tương lai ở một quốc gia do Taliban cai trị.
Cha cô đã thúc giục cô đi khi Quỹ Yalda Hakim trao một cơ hội, dù điều đó đồng nghĩa với việc bỏ lại cha mẹ và các anh chị em.
“Tôi nhớ gia đình. Tôi nhớ trường đại học của mình. Tôi nhớ Afghanistan. Lúc nào tôi cũng lo lắng. Có quá nhiều câu hỏi mà tôi không biết câu trả lời”, cô nói.
Sẵn sàng cho người tị nạn ở lại nếu Mỹ không tiếp nhận
Tiếp nhận người tị nạn "là điều đúng đắn và tự nhiên phải làm", Thủ tướng Edi Rama cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại thủ đô Tirana.
Trong khi các chính trị gia đối lập ở Pháp, Đức và một số quốc gia châu Âu khác thường xuyên sử dụng các mối lo về người tị nạn và người di cư để gây áp lực lên các nhà lãnh đạo chính phủ, thì đối thủ của ông Rama hầu hết giữ im lặng hoặc ủng hộ việc ông chào đón người Afghanistan.
“Chúng tôi không đưa mọi người vào các trại. Chúng trái với nhân văn và là nơi mà mọi vấn đề tâm lý nảy sinh. Trong nhiều giai đoạn lịch sử, chúng tôi cũng từng như họ. Họ chỉ đang cố gắng thoát khỏi địa ngục mà thôi”, thủ tướng nói.
Albania, một thành viên NATO đã gửi quân đến Afghanistan để tham gia nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm ngăn chặn Taliban, từ lâu đã giúp những người mà Mỹ chưa thể hoặc không muốn tiếp nhận.
Tuy nhiên, ông Rama nói về việc tiếp nhận người Afghanistan: "Chúng tôi không làm điều này vì người Mỹ yêu cầu”.
Cảm thấy rằng chính phủ do Mỹ hậu thuẫn ở Kabul sẽ không tồn tại được lâu khi quân đội Mỹ hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan, ông Rama lần đầu tiên đề nghị tại một hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6 để giúp giải quyết một làn sóng người tị nạn Afghanistan có thể xảy ra.
Ông thúc giục các nhà lãnh đạo khác cũng làm như vậy. Một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ ở Tirana đã xác nhận hành động của ông Rama.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo NATO khi đó không thấy có lý do gì để lo lắng ngay lập tức. Họ bám vào quan điểm lạc quan của Washington rằng Taliban còn vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm nữa mới chiến thắng.
Hai tháng sau, Afghanistan rơi vào tay Taliban, tạo ra một cuộc di cư ồ ạt của các nhà hoạt động vì phụ nữ, nhân viên xã hội dân sự, nhà báo và những người Afghanistan khác lo sợ Taliban.
Ở Albania, tại Rafaelo Resort, một cụm khách sạn 4 và 5 sao gần thị trấn Lezhe, những người di tản khỏi Afghanistan dùng bữa trong một nhà hàng riêng biệt phục vụ các bữa ăn theo chuẩn mực của đạo Hồi, hòa mình bên hồ bơi với khách du lịch.
Phòng và khu vực của người Afghanistan nhận tài trợ từ các tổ chức nước ngoài như Quỹ Quốc gia vì Dân chủ và Quỹ Yalda Hakim - được một nhà báo BBC gốc Afghanistan thành lập. Các quỹ xã hội mở George Soros đang trả tiền cho 135 người Afghanistan đã làm việc với tổ chức này ở Afghanistan, để họ được ở tại một khách sạn và spa cao cấp ở ven biển.
Sự hiện diện của phụ nữ Afghanistan che kín mặt trên những chiếc ghế dài bên hồ bơi tại khu nghỉ dưỡng Rafaelo dường như đã gây bất ngờ cho các du khách, nhưng không ai quá bận tâm.
“Tôi không biết có nhiều người Afghanistan sống ở đây như vậy, nhưng họ không làm phiền tôi. Tất cả họ đều là con người và cần được bảo vệ”, Besnik Zeqiri, một người Albania gốc Kosovo, nói.
Liri Gezon, một du khách khác, cho biết anh đã nhìn thấy những người Afghanistan sợ hãi tại sân bay Kabul trên truyền hình và rất vui khi thấy họ an toàn ở Albania.
"Họ không tạo ra bất kỳ vấn đề nào cho chúng tôi và xứng đáng được sống như chúng tôi", ông nói, nhớ lại cách mà hàng trăm nghìn người Albania chạy trốn khỏi Kosovo để thoát khỏi sự tấn công của lực lượng Serbia vào cuối những năm 1990.
Ngoại trưởng Albania Olta Xhacka cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng những người Afghanistan sơ tán ban đầu dự kiến ở lại vài tháng trong khi chờ được xử lý thị thực đến Mỹ.
“Nhưng chúng tôi đang làm việc để chuẩn bị việc họ có thể ở lại Albania ít nhất một năm, có thể lâu hơn”, bà nói và cho biết thêm rằng những người không thể đảm bảo thị thực để chuyển đi nơi khác sẽ được hoan nghênh ở lại Albania.
Buổi sáng đau thương đó kéo người Mỹ đến gần nhau
Điều tôi nhớ nhất về nước Mỹ cách đây 20 năm là nói chuyện với những người không quen trong khu phố về điều đã xảy ra. Tình yêu thương mang chúng tôi đến gần nhau.
Thông điệp từ cuộc biểu tình áo choàng đen ở Kabul
Những phụ nữ mặc burqa che kín mặt và cơ thể để biểu tình ủng hộ Taliban hôm 11/9 như lời chỉ trích đối với Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến ở Afghanistan.
Người tị nạn Afghanistan chân trần đến Anh
Các nhà lãnh đạo của Hội Chữ thập Đỏ mô tả cảnh tượng tại sân bay "rất hỗn loạn", nhưng cũng ca ngợi phẩm giá phi thường của người dân Afghanistan.