Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơ hội rộng mở cho các tác giả văn học Việt

Trong tháng 9, bên cạnh hội sách, hoạt động ra mắt tác phẩm mới và giao lưu văn học trở thành điểm hẹn thú vị cho độc giả quan tâm văn chương.

Sau 5 tháng từ ngày phát hành, với không ít chia sẻ tích cực từ độc giả, Nguyễn Lê Sang - tác giả bộ tiểu thuyết Việt Nam “Cơn bão cuối cùng” - chính thức lộ diện tại sự kiện giao lưu văn học “Trò chuyện trong tâm bão”.

Sân chơi tương tác

Nội dung sự kiện “Trò chuyện trong tâm bão”không giới hạn trong chia sẻ của tác giả hay hoạt động giao lưu với khách mời, độc giả Việt quan tâm đến bộ sách. Những độc giả đăng ký trước còn được trải nghiệm cảm giác hóa thân thành nhân vật, cùng tác giả viết nên câu chuyện của chính mình trong bối cảnh ngày tận thế.

Để đảm bảo tính khách quan, tác giả Nguyễn Lê Sang nhận về bản mô tả cá tính của nhóm độc giả giấu tên và dành khoảng thời gian ngắn trước sự kiện để hoàn thành trọn vẹn bản thảo cuốn sách “Cá nhân hóa độc giả”. Đây là hoạt động mới lạ trong cách vận hành và tổ chức sự kiện thuộc ngành xuất bản, giúp tác giả có thể tương tác với độc giả theo hình thức “trại sáng tác”.

Chị Lê Nguyễn (Hà Nội) chia sẻ lý do quyết định tham dự và đăng ký trải nghiệm “cá nhân hóa” tại sự kiện: “Nhà văn trẻ chân thành trò chuyện và trả lời mọi thắc mắc của độc giả. Cuốn sách ‘Cá nhân hóa độc giả’ - nơi chúng tôi được làm nhân vật chính - là điều đặc biệt nhất”.

Tro chuyen trong tam bao,  Nguyen Le Sang anh 1

Không gian sự kiện “Trò chuyện trong tâm bão”.

Không gian tổ chức sự kiện là nơi trao đổi kiến thức về mỹ thuật, hội họa. Các khách mời được khuyến khích đi lại và tương tác với nhau cũng như với không gian chung. Tại sự kiện, độc giả có cơ hội tìm kiếm tiếng nói chung và được giải đáp những băn khoăn sau khi đọc sách.

Hy vọng về văn học trẻ Việt Nam

Trong bối cảnh thời đại số - khi sách giấy được xem là cồng kềnh và khó bán hơn so với sách điện tử, niềm yêu thích của độc giả dành cho những cuốn sách giấy truyền thống và dài hơi như “Cơn bão cuối cùng” vẫn hiển hiện. Theo công ty xuất bản, lượng sách bán được trong thời gian này khá khả quan dù giá thành khá cao. Đối tượng mua sách phần lớn là dân văn phòng, có thu nhập chủ động và đặc biệt yêu thích, ủng hộ văn chương Việt.

Vượt lên tham vọng mang đến thông điệp ý nghĩa, sự ra đời của bộ tiểu thuyết “Cơn bão cuối cùng”thay tác giả gửi lời cảm ơn, tri ân đến người yêu văn chương Việt Nam - nhóm đối tượng độc giả sẵn lòng đón nhận sản phẩm nghệ thuật nước nhà. Song song, đây cũng là lời động viên dành cho tác giả trẻ đang nung nấu ý định viết những tác phẩm dài hơi và chất lượng.

Đại diện truyền thông của đơn vị xuất bản cho biết thông qua sự kiện, công ty mong muốn tạo ra sự kết nối bền chặt giữa tác giả - độc giả với tác phẩm văn học Việt Nam chất lượng cao. Đồng thời, sự kiện khuyến khích các tác giả Việt đóng góp vào sự phát triển của nền văn học trong tương lai.

Tro chuyen trong tam bao,  Nguyen Le Sang anh 2

Bộ trường thiên tiểu thuyết của tác giả trẻ Nguyễn Lê Sang “gây bão” thời gian qua.

Sau khi tham dự sự kiện, chị Oanh (nhiếp ảnh gia tại Hà Nội) cho rằng nếu có thêm nhiều hoạt động tương tự, ngành xuất bản sẽ thu hút lượng lớn độc giả có niềm đam mê với sách, đồng thời lan tỏa bầu không khí sôi nổi và hưởng ứng. Đây là tiền đề để các tác giả trẻ tại Việt Nam có sân chơi mới hiện đại, kết nối cùng độc giả, trở thành bệ phóng cho văn học trẻ Việt Nam.

Mộc Trà

Bạn có thể quan tâm