Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chuyên gia kinh tế: 'TP.HCM nên giãn cách triệt để hơn'

Trong khi nhiều người dân đã chuẩn bị tâm thế thắt chặt việc đi lại trong 15 ngày, những người khác vẫn chưa sẵn sàng dừng việc mưu sinh.

15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP.HCM đã đi qua được 1/3 thời gian. Chính quyền thành phố vẫn loay hoay trong việc hạn chế người dân ra đường.

Chuyên gia kinh tế cho rằng Chỉ thị 16 được kỳ vọng là biện pháp cứng rắn, trên tinh thần "thà đau một lần rồi thôi", nên mỗi người dân sẽ phải thực sự hy sinh, đồng lòng mới tạo ra hiệu quả dập dịch.

"Đói quá nên phải đối phó"

2 ngày qua, anh H. (ngụ tại TP Thủ Đức) bắt đầu chạy xe máy đi giao hàng ở quận Tân Bình. Trên tay anh cầm một tờ giấy xác nhận là nhân viên của một công ty thực phẩm.

"Mình mua tờ giấy đó giá 80.000 đồng. Người bán nó còn bảo cứ yên tâm, bên Gò Vấp người ta mua nhiều lắm", H. kể.

Cầm tấm giấy "thông hành" trên tay, H. lần lượt vượt qua các chốt kiểm tra trên đường Nguyễn Xí, Lê Quang Định (Bình Thạnh) để đến nơi làm việc. Tại mỗi chốt, cảnh sát chỉ mất 3 giây liếc qua con dấu đỏ chót trên tờ giấy rồi vẫy tay cho qua.

Lực lượng đứng tại các chốt sẽ chia ra để kiểm soát toàn bộ tuyến đường xung quanh các chốt.

Thượng tá Thái Thanh Xuân

H. tâm sự bản thân là người làm việc tại nhà hàng, quán ăn. Do việc làm cũ đã mất, anh phải mang xe máy ra đường kiếm việc để nuôi vợ và 2 con nhỏ. Tuy công việc giao hàng vẫn được phép hoạt động, nhưng H. vẫn phải dùng giấy tờ giả vì anh không có giao kết hợp đồng với hãng vận chuyển nào.

Mỗi ngày chở hàng cho một nhà kho ở Tân Bình, anh H. kiếm được 300.000 đồng, số tiền quý giá để trang trải cho cả gia đình trong những ngày giãn cách xã hội.

Khi được hỏi có biết hành vi của mình đang ảnh hưởng đến công tác chống dịch của thành phố, H. ái ngại nêu ra những khoản tiền đang vay nợ và cuộc sống khó khăn của vợ con ở nhà.

"Đói quá nên mình phải dùng giấy tờ giả để đối phó, nhưng có ai mua giấy giả vì mục đích không chính đáng thì chẳng thể biết được. Mình thấy nhiều người còn mượn áo GoJek, Baemin để có cớ ra đường", nam tài xế chia sẻ như để bào chữa cho hành vi sai trái của mình.

chot kiem soat Covid-19 anh 2

TP.HCM vẫn để phát sinh những đám đông ùn tắc trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16. Ảnh: Chí Hùng.

Trong 4 ngày đầu triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP.HCM đã lập hơn 300 chốt giao thông để kiểm tra lý do đi lại của người dân. Người muốn qua chốt phải có giấy chứng minh đang làm việc cho các cơ quan, doanh nghiệp được phép hoạt động.

Đến sáng 12/7, cảnh tượng ùn tắc đã xảy ra tại chốt kiểm soát Nguyễn Kiệm thuộc quận Gò Vấp. Hàng trăm phương tiện đi qua nút giao thông này trong ngày làm việc đầu tuần đã phải dừng lại để cảnh sát xét giấy tờ thông hành.

Điều khiến nhiều người bất ngờ là đến sáng 13/7, các chốt kiểm soát bên trong TP.HCM trở nên thông thoáng, cảnh sát không còn chặn từng người lại để hỏi giấy tờ.

Trao đổi với Zing, thượng tá Thái Thanh Xuân, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho rằng không có việc các chốt kiểm soát dịch được dỡ bỏ.

“Lực lượng đứng tại các chốt sẽ chia ra để kiểm soát toàn bộ tuyến đường xung quanh các chốt, nhằm xử lý trường hợp vi phạm”, thượng tá Xuân nói.

Trong trường hợp không tuần tra lưu động, ông Xuân cho biết các lực lượng trở về chốt và tiếp tục kiểm tra theo hình thức ngẫu nhiên, thay vì kiểm tra tất cả người dân như những ngày qua dẫn đến tình trạng ùn tắc ở quận Gò Vấp.

Dồn sức để qua "bạo bệnh"

Chia sẻ với Zing, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm y tế quận Gò Vấp, nhận định những ngày qua người dân vẫn đổ ra đường rất nhiều, khó đảm bảo giãn cách như Chỉ thị 16.

“Chỉ thị 16 nếu tuân thủ đúng thì chắc chắn dập được dịch. Chuyên gia nước ngoài nói thế. Bản thân tôi từng trải qua Chỉ thị 16 ở Gò Vấp cũng khẳng định thế. Nhưng nếu du di cho người dân thì chỉ một đốm lửa nhỏ là lại bùng phát. Phải siết Chỉ thị 16 cực kỳ mạnh, mạnh hơn cả hồi trước thì mới mang lại thành công”, ông Hòa chia sẻ.

Phải siết Chỉ thị 16 cực kỳ mạnh, mạnh hơn cả hồi trước thì mới mang lại thành công.

Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa

Đề cập đến tình trạng ùn tắc tại các chốt giao thông ở quận Gò Vấp, ông Hòa cho biết đặc điểm của quận 12 là mượn đường xuyên qua Gò Vấp để vào nội thành, nếu quận 12 thả cho người dân đi lại như những ngày qua thì chốt kiểm soát ở Gò Vấp sẽ vỡ.

“Trước đây áp dụng Chỉ thị 16 cho riêng Gò Vấp chúng tôi còn chặn được, giờ áp dụng chung cả thành phố, để dân đi qua Gò Vấp như thế này là thua”, bác sĩ Hòa nói và cho rằng mỗi quận huyện phải hạn chế thông thương với nhau. Kịch bản buộc người dân ở yên trong nhà là điều kiện lý tưởng nhất cho việc dập dịch.

“Ai cũng muốn điều đó, nhưng người dân vì mưu sinh, lý do riêng tư mà đổ ra đường thì mình cũng không giải quyết được”, ông nói.

chot kiem soat Covid-19 anh 3

Chuyên gia Lê Thành Nhân cho rằng người dân cần đồng lòng, chấp nhận ở nhà 15 ngày để đảm bảo hiệu quả dập dịch. Ảnh: Ngọc Tân.

Thạc sĩ Lê Thành Nhân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định tinh thần của Chỉ thị 16 là kiểm soát nghiêm ngặt việc đi lại, giãn cách một cách thực chất. Nhưng mấy ngày qua, các biện pháp kiểm soát đang nặng về hành chính như xét giấy tờ, lý do chính đáng...

Trong khi đó, thành phố vẫn cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất. Các doanh nghiệp không có lý do gì để ngừng làm việc khi đơn hàng đã chốt. Do đó, áp lực phải duy trì ngày công và đáp ứng yêu cầu hành chính đè nặng lên người lao động.

"Một số người gọi giấy phép thông hành tại các chốt kiểm soát giống như giấy phép con, gây khó khăn và ảnh hưởng đến tâm lý của họ", ông Nhân chia sẻ.

Chúng ta phải vừa nhận diện, vừa ứng phó nên không tránh khỏi những chuệch choạc, bất cập.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi

Trước việc TP.HCM lập các chốt kiểm soát giấy tờ của người dân rồi lại "xả chốt" khi đám đông lớn dần, chuyên gia Lê Thành Nhân cho rằng thành phố vẫn đang "ném đá dò đường". Mục đích tạo điều kiện cho người dân ra đường để duy trì kinh tế là tốt, nhưng có thể gây ra những vết thương dai dẳng.

Chuyên gia kinh tế vi mô cho rằng thành phố nên giãn cách triệt để hơn, tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh, mọi người đóng chặt cửa trong khoảng 1-2 tuần để ưu tiên kiểm soát dịch bệnh. Khi tình hình dập dịch có kết quả thì sẽ nới dần các hoạt động kinh tế.

"TP có thể duy trì mục tiêu kép, kiểm soát dịch và phát triển kinh tế với điều kiện phải kiểm soát được dịch trước rồi phát triển kinh tế sau. Giờ 2 cái đều chạy song song và 2 cái đều yếu thì không hiệu quả", giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định.

Chuyên gia cho rằng trong thời hạn 15 ngày mà ta khép chặt đến mức không cho ai ra khỏi nhà trừ lực lượng cơ yếu chống dịch, tổn thất về kinh tế sẽ là rất lớn, ngân sách cũng sẽ bị bào mòn để hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nếu có sự chia sẻ đồng lòng, thắt lưng buộc bụng của người dân và doanh nghiệp, TP.HCM có thể dồn sức vượt qua cơn bạo bệnh này. Còn nếu để một cơ thể mệt mỏi vẫn phải cố đi làm thì sẽ càng mệt thêm.

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về dịch Covid-19 tại TP.HCM chiều 13/7, Zing đặt câu hỏi về phương án đảm bảo sản xuất an toàn trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thời gian qua, TP.HCM vẫn luôn duy trì mục tiêu kép, đảm bảo vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất an toàn. Nhưng đến lúc này, ưu tiên phòng chống dịch được đặt lên số 1.

Ông Phan Văn Mãi chia sẻ đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát phức tạp, có những việc nằm ngoài sự hiểu biết, sự chuẩn bị nên nhiều vấn đề phát sinh.

"Chúng ta phải vừa nhận diện, vừa ứng phó nên không tránh khỏi những chuệch choạc, bất cập. Chúng tôi nhận ra hoặc được góp ý, vừa làm vừa điều chỉnh thì lại có cái mới phát sinh và phải tiếp tục giải quyết", Phó bí thư chia sẻ.

Công an TP.HCM lý giải việc gỡ các chốt kiểm soát dịch ở TP.HCM

“Khi cảnh sát kiểm tra lưu động thì rào chắn được đưa lên lề đường, điều này khiến nhiều người nghĩ rằng các chốt bị dỡ bỏ", Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM nói.

Bài liên quan

Ngọc Tân

Bình luận

Ý kiến bạn đọc (60)

Nổi bật
  • Mới nhất
Gửi bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

  • UD

    Uông Duy 00:52 14/07/2021

    Xin chào. Sau khi đọc bài viết của Zing thì mình có một chút ý kiến như sau. Chỉ thị 16 áp dụng là đúng, người dân lao động ở nhà không ra đường để mưu sinh nuôi sống bản thân và gia đình thì tạm chấp nhận để cầm...+

    Trả lời 36 15

  • ĐT

    Đào Nguyên Phúc Thịnh 06:32 21/07/2021

    Khi người ta đã không có ý thức chung vì sự nghiệp chống dịch thì không thiếu những lý do mà họ cho là chính đáng để ngụy biện. Nếu công cuộc chống dịch bị thất bại thì liệu họ có còn cơ hội để mà trả nợ nữa không?...+

    Trả lời 1 2

  • H

    Huele 04:35 14/07/2021

    Tôi mệt mỏi quá rồi, ko ra ngoài đường với hy vọng là cố gắng dập dịch, 1 ngày chúng tôi đi thuê mặt bằng cộng ba con nhỏ chi phí 1tr5, đóng cửa 1 tháng 2 tháng là lỗ bao nhiêu tiền, không biết trụ được tới khi nào, nhưng chúng tôi chấp nhận hy sinh vì cái chung, mà những người khác ngoài kia họ vẫn đang làm gì vậy, chúng tôi ngồi trên đống lửa, họ vẫn nhông nhông ngoài đường như trẩy hội.

    Trả lời 32 7

  • C

    CD 13:33 14/07/2021

    Tôi cảm thấy ngoại trừ lương thực thực phẩm để cung cấp cho người dân, nên ngừng các hoạt động sản xuất lại, hoặc sắp xếp chỗ ăn chỗ ở cho doanh nghiệp công ty liên quan đến cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân. Còn lại tất cả nên dừng hoạt động trong 2 tuần, tổ chức xét nghiệm tất cả dân cư trong Thành phố theo từng quận, huyện, phường để tầm soát và dập dịch thà chịu đau lần này còn hơn kéo dài.

    Trả lời 9 3

  • MG

    Minh Giang 05:45 14/07/2021

    15 ngày thôi mà, tốt nhất thì cấm tuyệt đối ra ngoài. Mua nhu yếu phẩm thì 5 ngày cho đi mua 1 lần, chia mỗi khu vực 1 khung giờ nhất định, công ty muốn hoạt động thì đảm bảo thức ăn và chỗ ở cho nhân viên ở...+

    Trả lời 19 3

  • TT

    Trần Tâm 03:01 14/07/2021

    Mình nghĩ, nên siết chật chỉ thị 16, cấm tất cả người dân ra đường. Thành phố chỉ cấp phép cho những cơ quan có đủ điều kiện để ra đường hỗ trợ lương thực phẩm cho những người khó khăn. Từng phường, từng khu phố, người dân đăng ký với trưởng khu phố để nhận trợ cấp. Hạn chế người dân ra đường.

    Trả lời 27 13

    • l

      lâm 06:40 14/07/2021

      Nhưng sức không đủ để đi phát từng nhà được rồi bạn ơi.

      Trả lời 2 0

  • Tiến Đạt 03:38 14/07/2021

    Tôi có ý kiến như vậy, cả nước đang chung lòng dập tắt dịch. Mọi người hãy ở yên trong nhà, kêu gọi các bạn trẻ tình nguyện xung phong giúp đỡ. Các tỉnh đang hỗ trợ thức ăn cho chúng ta thì mọi người hãy cùng nhau góp sức, một miếng khi đói bằng một gói khi no, lá lành đùm lá rách ngay khi lúc này.

    Trả lời 5 5

  • PN

    Peter Nguyễn 01:07 14/07/2021

    Kêu gọi mọi người hy sinh một chút. Vậy hãy thêm vào đó là ngân hàng, EVN; Nước sạch,.... ai cũng vì cuộc sống. Họ ra đường vốn dĩ cũng vì nuôi gia đình. Còn tiền điện điền nước, ngân hàng, dịch hay không vẫn thu đều chưa thấy sự phản ứng của họ.

    Trả lời 12 0

    • Cd

      Chung tay chống dịch 21:16 14/07/2021

      Đúng đấy ạ, em là shipper có hợp đồng giấy tờ thông hành đầy đủ nhưng e vẫn ở nhà những ngày này đồng lòng chống dịch nhưng mà tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền wifi, tiền nợ đủ thứ tiền thì vẫn dí đều đều thì đâu ra tiền để mà xoay sở 😢.

      Trả lời 6 0

  • KM

    Kinh Trang M 03:42 14/07/2021

    Bài viết nêu thực trạng rất đúng, sẽ không thể dập được dịch nếu người dân vẫn đi lại với lý do chính đáng và giấy tờ chỉ cần con dấu đỏ của bất cứ công ty nào như hiện nay.

    Trả lời 17 2

  • Nh

    Nguyễn văn hùng 23:56 13/07/2021

    Trong cuộc sống này không ai mà không mưu sinh cả? Chẳng nhẻ vì mưu sinh mà làm bất chấp qui định pháp luật. Nếu sự vi phạm đó chỉ ảnh hưởng riêng đến mình đâu mà ảnh hưởng chung đến toàn xã hội.

    Trả lời 1 0

  • Giồng Đình 03:35 14/07/2021

    Tình hình cũng như không, giãn cách xã hội gì mà xe chạy ầm ầm. Mình đóng cửa tiệm được 1.5 tháng rồi, nào là tiền ăn nào là tiền mặt bằng. Mọi người cần ý thức hơn nữa mới mong dập dịch.

    Trả lời 3 1

  • MH

    Minh Hà 01:04 14/07/2021

    Nên tạm ngưng tất cả các dịch vụ ở TP.HCM, mọi người nên ở nhà sẽ dễ sàng lọc hơn, cấp giấy cho người đi mua đồ vào thời gian nào, bách hóa siêu thị chỉ bán đủ cho 1 gia đình dùng trong 1 ngày.

    Trả lời 0 0

  • AD

    Anh Duy 04:00 14/07/2021

    Nên giới nghiêm và yêu cầu các công ty không phải thiết yếu cho toàn bộ nhân viên làm việc tại nhà, rất nhiều công ty không phải thiết yếu nhưng vẫn yêu cầu nhân viên đi làm hàng ngày!

    Trả lời 9 3

  • TC

    Trần Cảnh 00:44 14/07/2021

    Ko làm nghiêm thì sự hi sinh của nhiều người nghỉ làm ở nhà để chống dịch sẽ là vô ích trước một lượng nhỏ người vì lợi ích cá nhân mà tìm đủ cách để đi làm!

    Trả lời 2 0

  • LN

    Lê Nguyên 02:31 14/07/2021

    Dịch bùng phát mọi người chủ quan đi ngoài đường đổ lỗi do đói, nước đến chân rút không kịp, áp dụng mạnh không cho người dân ra đường với bất kỳ lý do nào.

    Trả lời 4 4

  • MT

    Minh Trúc 02:08 14/07/2021

    Theo chỉ thị 16 nhưng tôi thấy nhiều địa phương vẫn ko gắt. Vẫn còn chợ bán đồ bên đường thấy lực lượng chức năng thì chạy, người dân ra đường vẫn đông.

    Trả lời 1 0

  • NT

    Nguyễn Trường 02:18 14/07/2021

    Tôi thấy vẫn còn nhiều cửa hàng ko phải dịch vụ thiết yếu vẫn bán, người dân bắt đầu đi lại nhiều hơn, vẫn còn rất nhiều người đi tập thể dục.

    Trả lời 4 0

  • KC

    Kiểm Cris 05:07 14/07/2021

    Tại sao không làm như Bắc Ninh, Bắc Giang nhỉ, ở đó cách ly gần 20 ngày và họ đã vượt qua, doanh nghiệp cũng sản xuất được do công nhân tại chỗ.

    Trả lời 4 0

    • NT

      Nguyễn Tiến 09:36 14/07/2021

      Đúng đấy. Mình ở Bắc Ninh, và cũng ở tại công ty đúng 30 ngày. Dù có sụt vài kg do ăn uống không tốt. Nhưng vẫn quá ổn, vì để tình hình dịch ổn định trở lại. Và giờ lại được ăn ngon, lại lên kg bình thường, đi lại thoải mái hơn.

      Trả lời 2 0

  • HN

    Hạnh Nguyễn 12:17 14/07/2021

    Cho tôi hỏi hiện tại tôi đang bị kẹt tại TPHCM, nếu người nhà tôi gửi thức ăn xuống ngã 4 Trung Chánh, tôi từ Lê Thi Riêng quận 12 đi lấy có được không?

    Trả lời 0 0

  • KT

    Kim Tuyet 10:35 14/07/2021

    Chấp nhận hi sinh 15 ngày đi các bạn ơi chứ nếu ra ngoài hoài thì còn giãn cách dài dài lúc đó còn khổ hơn nữa. Rất mong cơ quan quản lí quyết liệt hơn.

    Trả lời 0 0

  • LT

    Linh Tran 01:56 14/07/2021

    Mong Tp cũng như cả nước cùng nhau vượt qua dịch bệnh này ngày nào cũng coi thời sự nói về dịch lo lắng cho gia đình và người thân đang trong vùng dịch.

    Trả lời 0 0

  • VB

    Vương thị Bình 08:33 27/07/2021

    Ai cũng tự giác thực hiện chỉ thị 16, ngồi yên tại chỗ và áp dụng 5k, tinh thần lạc quan không hoang mang... Chắc chắn sẽ đẩy lùi dịch bệnh.

    Trả lời 0 0

  • Q

    Quân 07:48 21/07/2021

    Mọi người hãy chung tay góp sức, hạn chế ra ngoài. Chúng ta đang căng hãy tập chung, mong rằng đợt sẽ sớm dập được dịch. Chúc thành công.

    Trả lời 0 0

  • Nh

    Như hà 05:42 21/07/2021

    Đúng chúng ta nên cùng nhau quyết tâm chống dịch theo chỉ thị 16, nên hạn chế ra đường khi không cần thiết đừng chủ quan nha mọi người.

    Trả lời 0 0

  • NT

    Nguyễn Thành Tan 04:20 14/07/2021

    Tp phải ra quyết định lúc này phải kêu gọi những tổ trưởng, tổ phó dân phố trở thành giám sát viên covid tại địa phương mình ở.

    Trả lời 3 1

  • HA

    Hoàng Thị Bích An 01:27 14/07/2021

    Lúc này ưu tiên chống dịch là số 1. Xã hội khỏe mạnh sẽ vực lại nền kinh tế. Tp HCM nên thực hiện chỉ thị 16 hiệu quả hơn.

    Trả lời 0 0

  • V

    VN 01:34 14/07/2021

    Không phải giãn cách triệt để hơn mà phải giãn cách triệt để. Không cho ai ra đường khi không cần thiết mới móng dập dịch.

    Trả lời 0 1

  • QT

    Quốc Thái 01:06 14/07/2021

    Biết là mưu sinh, nhưng 1-2-3 tuần cố gắng loay hoay cũng qua. Giờ ra đường chẳng khác nào chống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

    Trả lời 0 0

  • TH

    Thiện Hyundai 04:25 14/07/2021

    Cần có biện pháp cụ thể về vấn đề lương thực cho dân một cách chu đáo nhất có thể, để dân không phải ra đường.

    Trả lời 0 0

  • NG

    Nguyen Gia 04:59 14/07/2021

    Cái chính là phải chích vacxin phủ sóng ít nhất 60% cư dân thì mới có thể chống được dịch, thế giới cũng vậy thôi.

    Trả lời 0 2

Xem thêm bình luận

Thông báo