Ngày 13/5 tại Washington, D.C., trong những hoạt động cùng Diễn đàn ASEAN, Tập đoàn Sovico có cuộc họp chính thức với đoàn công tác của ông John Kerry, đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden, về biến đổi khí hậu.
Sáng kiến “Chính sách khí hậu Việt Nam”
Tại cuộc gặp, cựu Ngoại trưởng John Kerry chia sẻ ông mong chờ dự cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu với đoàn công tác đến từ Việt Nam và gửi lời thăm hỏi đến nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khi bà không tham dự chuyến thăm Mỹ đợt này. “Đây là thời khắc quan trọng và tôi hy vọng Việt Nam có thể nhận vai trò đi đầu trong lĩnh vực này. Nếu chúng ta không dành đủ quan tâm, vấn đề này sẽ tác động hàng triệu người”, ông nhấn mạnh.
Ông Kerry cho biết đã có những trao đổi hiệu quả với Tập đoàn Sovico về biến đổi khí hậu. “Chúng tôi có kế hoạch hợp tác Đại học Harvard để thực hiện các nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Chúng ta cần phát triển hydrogen và amoniac để giảm thiểu CO2. Chúng tôi có những nguồn vốn cho năng lượng sạch lên tới hàng nghìn tỷ USD”, ông khẳng định.
Tại buổi làm việc, phía Mỹ và ông John Kerry dành sự quan tâm và thảo luận các vấn đề như sáng kiến tài trợ cho chương trình nghiên cứu và đào tạo chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam; hợp tác Tập đoàn Boeing trong chương trình giảm thải CO2, nghiên cứu nhiên liệu hydrogen thay thế; nghiên cứu chương trình hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long thí điểm tại tỉnh Bến Tre giải quyết vấn đề nước biển xâm lấn ngập mặn, chống biến đổi khí hậu.
Ngày 14/5, tại chuyến thăm và phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại học Harvard, lãnh đạo trường Harvard Kennedy thông báo họ đang hợp tác cùng Tập đoàn Sovico xây dựng và tài trợ chương trình “Sáng kiến Chính sách Khí hậu Việt Nam”. Dự án tập trung nghiên cứu và đào tạo khả năng phục hồi của các thành phố tại Việt Nam trước biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo.
Giáo sư Thomas J. Vallely, Giám đốc chương trình Việt Nam, trường Harvard Kennedy, cũng gửi lời cảm ơn bà Nguyễn Thị Phương Thảo về tầm nhìn, khả năng lãnh đạo và những nỗ lực với các chương trình thiện nguyện cộng đồng, văn hóa giáo dục và phát triển con người, nay là chương trình chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới.
Đưa nghiên cứu về nữ tỷ phú Việt Nam vào chương trình giảng dạy
Năm 2017, Đại học Harvard tiến hành nghiên cứu về bà Nguyễn Thị Phương Thảo - một trong những nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Đề tài tập trung nỗ lực của bà trong việc đưa tới những sản phẩm, dịch vụ như đi máy bay, tài chính vi mô và những thay đổi tốt đẹp cho hàng triệu người nghèo, người yếu thế.
Nghiên cứu về nữ tỷ phú được đưa vào chương trình giảng dạy của Harvard Bussines School. Đến nay, mỗi năm có hàng nghìn nghiên cứu sinh thạc sĩ, tiến sĩ đến từ các nước được đào tạo qua nghiên cứu này tại Đại học Harvard.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ: “Phần thưởng dành cho chúng tôi là mọi người đều có thể bay. Khi bước ra khỏi làng quê, được bay, họ cảm thấy mình là người khác, trở thành công dân toàn cầu”.
Sinh viên Harvard cũng quan tâm việc bà Thảo vượt qua các thách thức về quy định và thói quen tiêu dùng của người dân, để nỗ lực thúc đẩy hoạt động các sân bay địa phương, đưa những người nông dân lên máy bay, nỗ lực chuyển đổi từ vé máy bay giấy sang vé điện tử.
Trước khi Vietjet tham gia ngành, chỉ 1% dân số Việt Nam được đi lại bằng máy bay, các sân bay địa phương không hoạt động. Việc đi máy bay là hành động xa xỉ, chỉ dành cho người thuộc “tầng lớp trên”. Nữ tỷ phú tự thân phá vỡ quan niệm này bằng cách mang đến hàng triệu chuyến bay an toàn với giá tiết kiệm, không chỉ trong Việt Nam mà còn nhiều nơi tại châu Á như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ…
Từ đầu, bà Thảo đã hình dung Vietjet không chỉ là hãng hàng không nội địa mà là hãng hàng không toàn cầu, hội nhập toàn diện ngành hàng không quốc tế. Bà liên tục thúc đẩy đổi mới trong các cơ quan quản lý và nhà cung cấp dịch vụ, để cải thiện các tiêu chuẩn hoạt động ở Việt Nam. Kết quả này không chỉ mang lại lợi ích cho hãng mà còn có tác động lớn đến việc thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy tăng trưởng cho ngành hàng không Việt Nam.
Hơn 30 năm trước, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là thành viên trong nhóm thành lập những ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Bà hiện là Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank.
Bà Thảo cho biết động lực để bà tham gia ngành ngân hàng là lượng lớn khách hàng vốn là người dân nông thôn chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng văn minh, tiện lợi. Ngân hàng HDBank cùng công ty tài chính tiêu dùng đã mang đồng vốn tới cho hàng triệu khách hàng chưa từng được vay tiền trước đó.
Được các tạp chí thế giới bình chọn là người phụ nữ mang tới thay đổi lớn lao, tích cực, say mê với các hoạt động thiện nguyện, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo luôn dành nhiều tâm huyết cho việc phát triển văn hóa, giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Nữ tỷ phú còn mang tiếng nói của mình vào các chương trình quốc tế. Thông qua những hoạt động cùng UNESCO nhằm tìm giải pháp hỗ trợ trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái - đối tượng dễ bị bỏ lại phía sau khi thế giới dịch chuyển sang giáo dục trực tuyến trong dịch bệnh, nữ tỷ phú khẳng định luôn hành động vì tương lai tươi sáng dành cho phụ nữ trong chuyển đổi số toàn cầu.
“Giáo dục và nghiên cứu là chìa khoá cho sự phát triển và thịnh vượng của nhân loại. Tôi tin những kết quả hợp tác lâu dài với trường Harvard, Viện Đại học Oxford sẽ mang tới những cơ hội, những giá trị mới tốt đẹp cho thế hệ trẻ và cộng đồng, giúp người dân Việt Nam hội nhập và trở thành những công dân toàn cầu”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ.
Với những dự án cụ thể như phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đề tài nghiên cứu ứng dụng giúp các thành phố bền vững trước biến đổi khí hậu, giải pháp chống ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, nữ tỷ phú bắt đầu cùng Đại học Harvard và những nhà hoạt động tích cực và ủng hộ Việt Nam như ông John Kerry ưu tiên các hoạt động bảo vệ môi trường và triển vọng phát triển kinh tế, vị thế của đất nước và đời sống của người dân.
Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
Xem thêm bình luận