Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chướng ngại ở nền kinh tế số hai châu Á

Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản đang đề xuất thay đổi chính sách thị thực giúp lao động nước ngoài ở lại lâu hơn, song chuyên gia cảnh báo chính phủ cần cân nhắc tác động.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh và cư trú Nhật Bản đang đề xuất thay đổi chính sách thị thực nhằm thu hút lao động nhập cư. Ảnh: Reuters.

Giữa cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, Nhật Bản đang tìm cách bổ sung thêm lao động nước ngoài để thúc đẩy kinh tế.

Trong cuộc họp của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hôm 24/4, các quan chức Cục Quản lý xuất nhập cảnh và cư trú Nhật Bản (ISAJ) đã đề xuất một loạt thay đổi với chính sách thị thực, nhằm cho phép công dân nước ngoài làm việc tại Nhật Bản lâu hơn, thậm chí trở thành thường trú nhân.

Theo các điều khoản thị thực với “lao động có tay nghề nhất định” được áp dụng từ năm 2019, lao động nước ngoài tay nghề cao có thể làm việc trong 12 lĩnh vực, chẳng hạn nông nghiệp, ngư nghiệp và sản xuất, tối đa 5 năm. Những lao động trong lĩnh vực đóng tàu, xây dựng và chăm sóc điều dưỡng đủ điều kiện có thể được gia hạn lâu hơn.

Với chính sách mới, ISAJ đang đề xuất bỏ giới hạn tối đa 5 năm và cho phép người lao động gia hạn thị thực nhiều lần và nộp đơn xin thường trú, theo South China Morning Post.

Tiềm năng

Đề xuất trên được đưa ra sau khi nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản vào tháng 3/2022 chỉ ra rằng nếu chính phủ muốn đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2040, số lượng lao động nước ngoài cần phải tăng gấp 4 lần lên 6,74 triệu người.

Các cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đang thúc đẩy mạnh mẽ đề xuất này. Nếu được đảng LDP ủng hộ, đề xuất có thể được nội các thông qua sớm nhất là vào tháng 6 và có hiệu lực từ năm 2024, theo Nikkei.

Với số lượng người cao tuổi trong xã hội ngày càng tăng và số trẻ em sinh ra ngày càng ít, Nhật Bản đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học cũng như khả năng thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

lao dong nhap cu anh 1

Nhiều lao động từ các quốc gia Đông Nam Á đang làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia.

Trước khi ISAJ kêu gọi sửa đổi chính sách thị thực, Nhật Bản luôn phản đối việc nhập cư quy mô lớn do mâu thuẫn và xung đột văn hóa giữa các nhóm dân cư khác nhau, song tình trạng thiếu người trong độ tuổi lao động đã trở nên nghiêm trọng.

“Hiện tại, tình trạng thiếu lao động có kỹ năng và năng lực đang trở thành một vấn đề rất nghiêm trọng ở Nhật Bản, và điều đó sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai”, Rui Yamaguchi, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Lao động Nhật Bản, cho biết.

“Nhưng nếu đề xuất này thành công thu hút đủ số lượng lao động nước ngoài, các phần khác trong (chính sách) thị thực cũng phải được sửa đổi”, ông nói, chỉ ra lệnh cấm người lao động đưa gia đình đến Nhật Bản khi bắt đầu một công việc mới.

Theo giáo sư Stephen Nagy, khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế Tokyo, nhìn chung Nhật Bản có danh tiếng tốt với người dân từ nhiều quốc gia Đông Nam Á đang tìm kiếm việc làm lương cao tại nước ngoài.

“Nhiều năm qua, người lao động từ Philippines, Indonesia và các quốc gia khác trong khu vực đã đến Nhật Bản, trong đó nhiều người làm việc trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và điều dưỡng”, ông nói.

“Số lao động này phần lớn còn trẻ và sẵn sàng làm việc trong những lĩnh vực mà nhiều người Nhật không còn muốn tham gia - những công việc được coi là lấm lem, khó khăn và nguy hiểm”, ông nói thêm.

Rào cản

Tuy nhiên, dù Nhật Bản chắc chắn cần nhiều lao động hơn để hỗ trợ dân số đang già hóa, các nhà phân tích tin rằng nhóm bảo thủ sẽ tiếp tục phản đối nhập cư, đồng thời nhấn mạnh tăng cường tự động hóa và robot mới là giải pháp lâu dài.

Không chỉ riêng giới chuyên gia, một số người Nhật cũng không mấy chào đón người nước ngoài định cư trong cộng đồng của họ. Điều này đã được phản ánh khi Tokyo mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp lữ hành thừa nhận sự trở lại của hàng triệu du khách nước ngoài có thể là con dao hai lưỡi. Họ cảnh báo tình trạng quá tải và mâu thuẫn giữa khách du lịch và dân địa phương vì khác biệt văn hóa khi các quy tắc bất thành văn của xã hội Nhật Bản không được tuân thủ.

Cư dân tại các điểm du lịch nổi tiếng phàn nàn về tình trạng phương tiện giao thông công cộng quá đông, hành vi quá khích, số lượng lớn người gần các điểm tham quan, tiếng ồn về đêm và việc không tuân thủ nghiêm ngặt quy định phân loại rác.

lao dong nhap cu anh 2

Nhật Bản nỗ lực thu hút lao động nước ngoài. Ảnh: Bloomberg.

“Với nhiều người, sự khác biệt về văn hóa chắc chắn sẽ là rất lớn, vì vậy cả hai bên cần thể hiện linh hoạt”, giáo sư Nagy nói.

“Với lao động nước ngoài, điều quan trọng là cố gắng hòa nhập vào xã hội Nhật Bản. Tôi chắc rằng sẽ có một số khác biệt về quan điểm, điều đó có nghĩa việc giữ chân số lao động nước ngoài này cũng là một thách thức”, ông nói thêm.

Ngoài Nhật Bản, nhiều nền kinh tế khác trong khu vực cũng phụ thuộc vào lượng lớn lao động nước ngoài, đặc biệt là Hong Kong, Singapore, Australia và Hàn Quốc. Việc Tokyo nới lỏng chính sách thị thực sẽ gây áp lực lên những quốc gia này.

“Nếu Nhật Bản muốn đảm bảo thu hút đủ lao động chất lượng cao từ Đông Nam Á, hệ thống thị thực mới sẽ phải tốt hơn hệ thống hiện có ở những nơi khác”, ông Nagy nhận định.

“Các điều kiện và mức lương phải tốt hơn. Đồng thời, (lao động nước ngoài) cần cảm thấy họ có thể tận hưởng sự cân bằng hợp lý giữa công việc và cuộc sống, điều mà ngay cả người lao động Nhật Bản cũng chưa thể tận hưởng", ông kết luận.

Cuốn sách thức tỉnh hàng triệu người dân Nhật

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách Khuyến học bàn về những yếu tố cơ bản khi xây dựng quốc gia hưng thịnh, về tinh thần học tập để quốc dân tự cường, dựa trên kinh nghiệm của người Nhật.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Bộ trưởng Nhật bị chỉ trích vì ăn cơm lươn sau vụ tấn công thủ tướng

Bộ trưởng Koichi Tani, Chủ tịch Ủy ban An toàn Công cộng Quốc gia Nhật Bản, đang hứng chịu nhiều chỉ trích sau vụ tấn công nhắm vào Thủ tướng Fumio Kishida.

Công ty Nhật Bản mất liên lạc với tàu đổ bộ Mặt Trăng

Ispace cho biết nỗ lực thực hiện kế hoạch đổ bộ Mặt Trăng bằng vốn tư nhân đầu tiên đã thất bại vào hôm 25/4, sau khi công ty Nhật Bản này mất liên lạc với tàu Hakuto-R Mission 1.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm