Đêm 14/7, Quang Tuyên (22 tuổi, ngụ ở quận 8, TP.HCM) nhận được tin nhắn bất ngờ từ chủ nhà trọ, dặn anh và các bạn cùng nhà xuống tầng 1 nhận rau miễn phí.
“Bên chị có ít rau tươi từ dưới quê gửi lên. Sáng các em xuống lấy lên ăn nhé. Vì số lượng không có nhiều, nên nếu các em xuống mà hết thì thông cảm giúp chị nhé. Cảm ơn các em”, chị chủ nhắn tin.
Chàng trai quê Bến Tre vừa cảm động, vừa bất ngờ, nhanh chóng gửi lời cảm ơn đến chủ nhà trọ.
“Giữa tâm dịch, rau củ đắt như vàng, ai cũng lo trữ mà chị lại mang cho không. ‘Sạp rau 0 đồng’ của chị đa dạng đủ loại, từ bầu, rau muống đến dưa leo, cà chua… Tôi còn là người mê ăn rau, nên lại càng cảm kích trước hành động của chị”, anh nói với Zing.
Tương tự, Kim Oanh (24 tuổi, Quảng Bình) cũng được cô chủ trọ tặng thực phẩm miễn phí kể từ khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Mỗi ngày cô chủ lại đem đến cho 7 người ở khu trọ phường Linh Xuân, TP Thủ Đức rau, củ, quả các loại và sữa.
“Trước đó, cô cũng hay hỗ trợ thực phẩm. Nhưng từ ngày TP.HCM bùng dịch, cô đem đồ ăn tới thường xuyên hơn. Ngoài ra, giá thuê phòng chỉ 1 triệu đồng/tháng, gửi cô chủ lúc nào cũng được. Hầu hết người sống ở đây là công nhân hoặc dân văn phòng. Ai khó khăn quá, cô còn cho tiền phòng luôn”, Kim Oanh chia sẻ.
Về phần mình, nữ phóng viên trẻ chuẩn bị thêm một số món tươi sống như thịt, cá để sẵn trong tủ lạnh, song không dự trữ quá nhiều.
Thông thường, mỗi tháng cô sẽ được mẹ tiếp tế lương thực một lần, nhưng vì dịch nên không nhận được nữa. Kim Oanh cũng cẩn thận hơn trong chi tiêu để sống qua đợt dịch này.
“Giờ hàng hóa, nhu yếu phẩm khan hiếm, mua bán không dễ dàng. Dịch bệnh khó khăn mà được cô chủ trọ thương mến, hỗ trợ vậy, tôi thấy ấm lòng và hạnh phúc lắm”, cô nói với Zing.
Mỗi lần TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, Phương Lam (22 tuổi, Tiền Giang), hiện sống ở quận 7, lại được cô chủ giảm tiền thuê nhà.
Lần này cũng không ngoại lệ, nữ sinh mới tốt nghiệp được cô chủ ưu ái bớt 1 triệu đồng tiền điện và 2 triệu đồng tiền nhà.
“Tôi và một người bạn thuê chung cả căn nhà 3 tầng, tổng mỗi tháng hết 12,5 triệu đồng. Thời gian này phải ở nhà nhiều, dùng điện liên tục nên cô chủ nhà bớt luôn cho hai đứa cả tiền phòng lẫn tiền điện”, cô chia sẻ.
Bên cạnh đó, Phương Lam cho biết cô chủ nhà thường xuyên hỏi thăm tình hình sức khỏe của cô, cũng như hỗ trợ mua rau củ quả nếu cần thiết.
“Tiền thuê nhà là nguồn thu nhập chính của cô ấy, vậy mà cô giảm thêm chi phí. Được cô hỗ trợ như vậy, tôi vui lắm. Tôi vừa tốt nghiệp đại học, đang trong giai đoạn khởi nghiệp mùa dịch nên gặp ít nhiều khó khăn về mặt kinh tế. Nhờ có cô, tôi đỡ được một khoản lớn”, cô nói.
Nhiều lái xe xin chở F0, F1 vào khu cách ly ở TP.HCM
Hầu hết tình nguyện viên là những tài xế đang thất nghiệp do ảnh hưởng Covid-19 có mong muốn được chung tay góp sức chống dịch.
Mở rộng tai, làm teo cơ chân, phụ nữ Trung Quốc bất chấp để đẹp lên
Do áp lực xã hội và yêu cầu nghề nghiệp, ngày càng nhiều phụ nữ trẻ ở xứ tỷ dân tìm đến dao kéo để tân trang ngoại hình của mình.
5 lần ly hôn bất thành của người vợ bị bạo hành
Vụ việc phần nào cho thấy thực trạng khó có thể ly dị của phụ nữ Trung Quốc, ngay cả khi họ là nạn nhân bạo hành gia đình.