Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính phủ yêu cầu NHNN giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6

Thường trực Chính phủ yêu cầu NHNN thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, có ngay các giải pháp thiết thực, cụ thể để giảm mặt bằng lãi suất.

Chính phủ yêu cầu NHNN giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6. Ảnh: Quỳnh Trang.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 225/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp lớn mà Thường trực Chính phủ nêu ra đó là yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ, khẩn trương có ngay các giải pháp thiết thực, cụ thể để giảm mặt bằng lãi suất.

Trong đó, yêu cầu đặt ra còn bao gồm giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6 và định hướng giảm lãi suất huy động, cho vay đối với khách hàng nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, ngành ngân hàng phải khắc phục hiệu quả ngay việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua.

Chính phủ cũng yêu cầu NHNN xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý trong năm, phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm. Trong đó, chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu NHNN tập trung điều hành thị trường liên ngân hàng, tạo điều kiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng theo hướng giảm dần lãi suất, bảo đảm vốn cho các tổ chức tín dụng, phát huy vai trò dẫn dắt của các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Các ngân hàng thương mại cũng cần tiếp tục cải cách, cắt giảm các thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân; cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết để hỗ trợ khách hàng vay vốn.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu ngành ngân hàng nhanh chóng rà soát, sửa đổi phù hợp một số tiêu chí, điều kiện, hướng dẫn cho vay theo hướng tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản, nhất là đối với các dự án khả thi, hiệu quả, các doanh nghiệp có năng lực.

Một số yêu cầu khác được Chính phủ đặt ra với ngành ngân hàng còn bao gồm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; rà soát gói tín dụng 40.000 tỷ đồng120.000 tỷ đồng với các điều kiện cho vay kịp thời, linh hoạt, hợp lý hơn.

Đồng thời, khẩn trương đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp các lĩnh vực cần thiết khác.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Huy động vốn qua chứng khoán vẫn ở mức thấp

Dù thị trường chứng khoán đang "ấm" dần nhưng chưa đủ mạnh để hỗ trợ cho các đợt huy động vốn lớn, cần có thêm các giải pháp hút vốn dài hạn.

Shophouse ở chung cư hạng sang ế ẩm

Nhiều căn shophouse ở TP.HCM vắng bóng khách thuê hàng tháng trời, chủ nhà phải quyết định bán đứt để mau chóng thu hồi vốn.

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm