Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Chia ly và hội ngộ sau đại dịch

Với chị Yến, ôm đứa con nhỏ vào lòng sau 42 ngày xa cách là điều hạnh phúc nhất. Nhưng với nhiều người, ngày hội ngộ cũng là ngày buồn khi họ đến nhận tro cốt của người thân.

Với chị Yến, ôm đứa con nhỏ vào lòng sau 42 ngày xa cách là điều hạnh phúc nhất của người mẹ. Nhưng với nhiều người khác, ngày hội ngộ lại là ngày buồn nhất khi họ đến nhận tro cốt của người thân. Giữa những ngày phong tỏa, họ đã không thể nói lời chào trước lúc sinh ly tử biệt.

14 ngày… 10 ngày... 6 ngày...

Chị Kim Yến (đã đổi tên) đếm ngược từng ngày để lại được ôm đứa con gái 15 tháng tuổi và cậu con trai 4 tuổi vào lòng. Thế nhưng, hy vọng vụt tắt ở ngày tự cách ly thứ 9 - khi chỉ còn 5 ngày nữa là chị có thể chạm vào hai đứa con bé bỏng. Chị Yến bị nghi tái dương tính với Covid-19, phải cách ly lại từ đầu.

Chuỗi ngày đếm ngược lại kéo dài thêm nữa.

Cuối tháng 7, chị Yến bắt đầu xuất hiện hàng loạt triệu chứng như mất vị giác, khứu giác, sốt liên tục, ngủ li bì và tức ngực dữ dội. Không hề có yếu tố dịch tễ nên khi đi khám, bác sĩ bước đầu nhận định người phụ nữ 27 tuổi chỉ bị sốt siêu vi. Thế nhưng, 3 ngày sau, chị nhận được thông báo dương tính với SARS-CoV-2.

Chị trở thành F0, cả đại gia đình 7 người gồm bố mẹ ruột, em trai, bố mẹ chồng và hai con nhỏ cũng trở thành F1, phải vào khu cách ly tập trung. Suốt 3 ngày đầu, chị thức trắng đêm vì lo lắng cho người nhà, đặc biệt là 2 đứa con nhỏ.

Tin dữ tới dồn dập. Bố mẹ ruột và em trai của chị lần lượt được thông báo mắc Covid-19. Cả gia đình 4 người có cuộc đoàn tụ đầy trái ngang trong khu điều trị của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, chiến đấu cùng nhau sau những bức tường phòng bệnh. Điều may mắn nhất với chị là hai con cùng bố mẹ chồng vẫn khỏe mạnh.

Ngày 16/8, chị Yến được công bố khỏi bệnh sau 4 lần âm tính và trở về nhà.

“Mẹ về!”, đứa con trai 4 tuổi líu lo nói cười khi vừa nhìn thấy dáng mẹ trong chiếc áo sơ mi kẻ sọc đứng lấp ló trước cửa nhà. Theo lời dặn dò của bố, cậu biết chưa thể lại gần mẹ vì "mẹ vẫn còn đang ốm". Nhưng đứa con gái nhỏ thì vẫn chưa thể hiểu sao mẹ không ôm mình.

Chị Yến nhìn hai con, dằn lòng mình lại và đi thẳng lên phòng riêng.

Suốt 9 ngày tự cách ly, chị Yến chỉ có thể nhìn chồng con từ gác lửng tầng 2 xuống tầng 1. Khoảng cách giữa 2 tầng nhà chưa bao giờ xa xôi đến thế.

"Cảm giác ở nhà, nghe giọng con mà không được ôm con còn buồn hơn ở trong khu cách ly", chị Yến tâm sự. Nghe con khóc không chịu ăn, hờn không chịu ngủ, lòng người mẹ trẻ cứ nôn nao. Chị chỉ mong cho chuỗi ngày tự cách ly co lại thật nhanh.

Thế nhưng, ngày cách ly thứ 9, chị thấy các triệu chứng ho tái xuất hiện như giai đoạn đầu nhiễm bệnh. Linh tính điều chẳng lành, chị lập tức gọi điện báo cho bệnh viện.

Bao nhiêu háo hức tắt lịm sau thông báo "nghi nhiễm" của nhân viên y tế. Người mẹ trẻ lại một lần nữa chia tay chồng và các con để đến khu cách ly tập trung.

"Thà chắc chắn bị bệnh thì mình yên tâm điều trị, đằng này cứ thấp thỏm lo không biết mình dương tính hay âm tính", người phụ nữ 27 tuổi kể lại.

5 ngày đầu trở lại khu cách ly tập trung, chị Yến phải trải qua đúng những chặng lo của hơn 3 tuần trước đó. Lo phải điều trị lại, lo chồng con cũng phải đi cách ly tập trung, thương con phải xa mẹ. Lòng chị chồng chất những nỗi lo.

Nhận kết quả âm tính cuối ngày cách ly thứ 5, chị Yến khấp khởi mừng, cứ tưởng sẽ được về nhà. Nhưng bác sĩ thông báo chị phải cách ly tập trung thêm 14 ngày để đảm bảo an toàn.

Một lần nữa, người mẹ trẻ lại đếm ngược chờ ngày về.

hoi ngo sau dai dich anh 1

Ngày cách ly thứ 14, chị rất sốt ruột. Chỉ sợ lại một lần nữa lỡ hẹn với chồng, với con. May mắn, chị Yến âm tính, không cần phải tự cách ly thêm.

"Con ôm mẹ được chưa?", đứa bé 4 tuổi hớn hở hỏi khi thấy mẹ trước cửa nhà.

"Được rồi. Mẹ hết bệnh rồi", chị Yến vừa dứt câu, đứa nhỏ chạy ào tới sà vào lòng mẹ sau gần 2 tháng xa cách. Đó là cái ôm hạnh phúc nhất trong hơn 4 năm làm mẹ.

Hơn 1 tuần kể từ khi được về bên con, chị Yến hầu như không rời nhà. Chị muốn dành toàn bộ thời gian để ôm con, ăn với con, chơi cùng con. Sau bao nhiêu hoang mang đã trải qua, chị sợ rằng nếu ra ngoài sẽ lại phải xa con thêm lần nữa.

10h đêm 4/8, tiếng còi xe 115 đánh thức không gian tĩnh lặng ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Một bóng nhỏ nhảy xuống xe, vai đeo balo bé xíu xiu, đôi chân thoăn thoắt đi theo sự chỉ dẫn của những người mặc đồ xanh.

Trong khoa Nội II, 12 nhân viên y tế đứng chờ sẵn. Thấy khuôn mặt tươi vui của đứa bé, ai cũng ứa lệ. Cả khoa chưa bao giờ mừng đến thế khi đón bệnh nhân dương tính nhập viện.

Cậu bé 8 tuổi là bệnh nhân 655. Bà và mẹ bé là bệnh nhân 482 (82 tuổi) và bệnh nhân 473 (38 tuổi) đã nhập viện trước đó 5 ngày (30/7).

Sáng hôm đó, bác sĩ Nguyễn Thanh Mai, Trưởng khoa Nội II, nhận được điện thoại từ bệnh nhân 473. Người phụ nữ nức nở giải thích đứa con trai 8 tuổi vừa được phát hiện mắc Covid-19 nhưng lại được chuyển đến Bệnh viện dã chiến Hòa Vang điều trị, không có người nhà nào đi cùng. Trong khi đó, mẹ và bà ngoại lại đang điều trị ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cách đó 10 km.

Một mình trong khu điều trị, bé cứ khóc suốt. Các bác sĩ ở đó cũng không sao dỗ được. Người mẹ năn nỉ bác sĩ Mai tìm cách xin chuyển bé về điều trị cùng bà và mẹ.

“Bác sẽ cố gắng đón cháu về trong hôm nay, nhưng bác không dám hứa trước”, chị Mai nói qua điện thoại, sợ trao đi quá nhiều hy vọng. May mắn là hôm đó, chị đã thực hiện được đúng lời hứa của mình, đưa đứa bé về bên mẹ.

Cũng phải xa gia đình đi chống dịch cả tháng, bác sĩ Mai hiểu sâu sắc sự lo lắng của người mẹ khi phải chia cắt với con.

Nhà bác sĩ Mai có 5 người. Dịch đến, mỗi người một nơi. Chồng là công an phải tự cách ly ở đơn vị để làm nhiệm vụ. Con gái cùng chị chiến đấu trong bệnh viện kể từ đầu dịch. Nhà chỉ còn cậu con trai 21 tuổi và người mẹ già 77 tuổi.

Ngày 30/7, lúc xếp hành lý vào viện, chị Mai không dám chào mẹ trước lúc đi. “Mình chào là sẽ khóc. Mẹ mình cũng khóc mà mình cũng khóc”, chị kể, mắt ngấn lệ. Dù đã 53 tuổi, trong mắt mẹ, chị vẫn chỉ là đứa con gái phải ra tiền tuyến trong một trận chiến chưa biết ngày về.

3 ngày đầu, chị Mai không dám gọi điện cho mẹ, sợ rằng nước mắt lại nối nhau thành hàng. Chị chỉ dám nhắn tin cho con trai, bảo mẹ vẫn khỏe nhưng bận không gọi điện được. Chị sợ nếu gọi điện, chị sẽ khóc khiến người mẹ 77 tuổi lại suy nghĩ.

6 tuần trôi qua, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vắng dần theo từng đợt bệnh nhân xuất viện. Sau 44 ngày chiến đấu, bác sĩ Mai chính thức được về nhà.

hoi ngo sau dai dich anh 2

"Răng bữa nay đen quá".

Đó là câu đầu tiên người mẹ 77 tuổi vừa khóc, vừa nói với con gái trong ngày bác sĩ Mai trở về. Chị cười bảo chị toàn ở trong viện, ra ngoài còn ít hơn ngày thường, sao mà đen cho được. Còn mẹ chị mới là gầy đi thực sự, từ 38 kg còn 37 kg. Người hốc hác trông thấy.

Cuộc hội ngộ của gia đình chị cứ quẩn quanh trong những lời trách móc thân thương như thế. Nhưng điều quan trọng nhất là sau 1,5 tháng kể từ khi tái bùng dịch, lần đầu tiên, bữa cơm gia đình chị Mai lại có đủ 5 người.

"Xin lỗi mẹ. Hôm nay con mới đến đón được mẹ về".

Đó là câu nói nặng trĩu của người con trai khi đến nhận tro mẹ sau khi hết hạn cách ly. Lời thủ thỉ ấy khiến ông Lâm nhớ mãi. 54 năm cuộc đời, đây là cuộc hội ngộ buồn nhất mà ông từng chứng kiến.

Không ai dám hỏi gì, chỉ nhìn theo bóng lưng của người con ôm hũ tro, lẳng lặng bước đi giữa cái nắng gay gắt của trưa hè tháng 8. "Có những nỗi đau quá sức khốc liệt", ông Lâm kể lại.

Làm nghề hỏa táng đã 11 năm, ông Nguyễn Mậu Hoàng Lâm chưa bao giờ bận bịu như những ngày Đà Nẵng cách ly xã hội vì dịch bệnh. Trung tâm Hỏa táng An Phước Viên là nơi duy nhất tiếp nhận những bệnh nhân qua đời do Covid-19 tại các tỉnh miền Trung.

Toàn bộ 35 ca tử vong do Covid-19 của Việt Nam đều trải qua hành trình cuối đời tại nơi này.

hoi ngo sau dai dich anh 3

Trung tâm Hỏa táng An Phước Viên nằm biệt lập với khu dân cư, ngay trong khuôn viên của nghĩa trang thành phố, cách trung tâm Đà Nẵng gần 20 km. Suốt 2 tháng, ông Lâm chẳng mấy khi theo dõi tin tức về dịch bệnh, chỉ cần biết ngày nào không phải mặc đồ bảo hộ tức là ngày ấy bình yên.

15 ngày đầu tháng 8, ông và 3 đồng nghiệp ở hẳn trung tâm, không về nhà. Họ luôn trong tư thế sẵn sàng chờ hỏa táng ca Covid-19 tử vong.

Có những ngày 2 lò đốt của trung tâm phải hoạt động hết công suất, chỉ trong 24 giờ hỏa táng tới 8 người. Lại có hôm ông phải liên tục hỏa thiêu 4 ca tử vong do Covid-19 chỉ trong một ngày. Bộ đồ bảo hộ cứ cởi ra rồi lại mặc vào.

“Hết chỗ rồi”, ông Lâm nhìn quanh những kệ đựng tro cốt phủ kín 4 bức tường, không còn một ô trống. 2 tháng Đà Nẵng tái bùng dịch, Trung tâm Hỏa táng An Phước Viên phải kê thêm một cái bàn rộng chừng 20 m2 ở giữa gian phòng để đặt tro cốt.

“Đó đều là những hũ tro chưa có người đến nhận”, ông Lâm nói, tay trỏ vào những bông sen sứ xếp đặc kín trên bàn những ngày đầu tháng 9. Người thân của họ hoặc đang ở khu cách ly, hoặc chưa thể đến Đà Nẵng đón thân nhân vì dịch bệnh ngăn cách.

Phải đến khi lệnh cách ly xã hội tại Đà Nẵng được dỡ bỏ từng bước, số hũ tro tại đây mới vơi dần. Những cuộc gặp gỡ vốn dĩ là chia ly lại trở thành hội ngộ sau khi đại dịch đi qua.

Hơn một thập kỷ làm nghề, tưởng như đã chai sạn với nước mắt và những cuộc tiễn đưa nhưng chứng kiến những sự ra đi mùa dịch, ông vẫn không khỏi chạnh lòng.

Với những ca tử vong do Covid-19, trung tâm buộc phải bỏ qua công đoạn làm lễ, lập tức hỏa thiêu để tránh nguy cơ lây nhiễm. Ông Lâm gọi đó là hành trình cô độc. “Hầu hết họ đều ra đi một mình”, ông kể.

Theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, những ca tử vong do Covid-19 phải được khâm liệm càng sớm càng tốt và mai táng trong vòng 24 giờ. Những gia đình may mắn thì kịp nhận tin, chạy theo xe cấp cứu 115 từ bệnh viện tới nhà hỏa táng. Xe cấp cứu chạy thẳng tới phòng hỏa thiêu, lập tức đưa quan vào lò.

Nhiều người thân theo xe, xỉu lên xỉu xuống, ai cũng xin nhìn mặt bệnh nhân lần cuối. Có người chỉ xin mở cánh cửa xe cứu thương để họ được nhìn áo quan trước khi đưa vào lò, nhưng vì an toàn, ông Lâm vẫn phải từ chối.

Họ chỉ có thể nhìn cỗ quan qua lớp kính ngăn cách giữa phòng làm lễ và phòng hỏa thiêu. Nhưng thế vẫn còn là may mắn, có người vì còn phải cách ly, chỉ có thể vĩnh biệt thân nhân qua màn hình điện thoại.

Éo le nhất vẫn là những bệnh nhân không có thân nhân nào đến đưa tiễn chặng cuối cùng. Ông Lâm sợ những cuộc ra đi như thế. Quãng đường tiễn đưa chóng vánh khiến những lần giao tro cốt của ông sau đó càng nặng nề, day dứt.

“Thời gian làm lễ kéo dài thì nỗi đau người thân ngắn lại. Nhưng thời gian đưa tang càng ngắn thì nỗi đau càng đằng đẵng hơn”, ông Lâm thở dài nói, thắp một nén nhang mới cho những hương hồn đang chờ người thân tới đón.

Giải cứu Đà Nẵng

Thành phố đáng sống bất ngờ “đóng băng” vì ca mắc Covid-19. Giữa hàng nghìn người tìm cách tháo chạy khỏi ổ dịch, các y bác sĩ đi ngược chiều đám đông để giải cứu Đà Nẵng.

Thu Hằng

Đồ họa: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm