Bộ Tư pháp vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Trong báo cáo này, Bộ Tư pháp nhắc đến và phân tích 2 đề xuất thay đổi chính sách từng được dư luận quan tâm, đó là giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH một lần và giảm số năm BHXH để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm.
Dẫn báo cáo đánh giá tác động của Bộ Lao động với nhận định “số lượng hưởng BHXH một lần tăng nhanh chóng dẫn tới độ bao phủ BHXH tăng chậm” và đề xuất giải pháp điều chỉnh điều kiện hưởng BHXH một lần, Bộ Tư pháp cho rằng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định cụ thể, chặt chẽ các trường hợp người lao động được hưởng BHXH một lần.
Việc ban hành Nghị quyết 93 của Quốc hội về sửa Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội trước đây chỉ mang tính chất tạm thời, xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp có thời gian đóng BHXH ngắn, có nhu cầu nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt.
![]() |
Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cân nhắc kỹ 2 chính sách quan trọng liên quan tới BHXH. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Nhấn mạnh đây là vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp, Bộ Tư pháp khuyến cáo việc thực hiện đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH một lần có thể dẫn đến mức hưởng BHXH một lần thấp hơn so với mức hưởng hiện nay.
Do đó, để tránh gây ra những phản ứng xã hội không tốt, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách (nhất là về lộ trình) giải quyết chế độ BHXH một lần, tránh gây hoang mang cho người lao động. Từ đó, Bộ Lao động đề xuất giải pháp khả thi, hiệu quả, hợp lý.
Với đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 xuống 15 năm, Bộ Tư pháp cho rằng đây là một trong những chính sách lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và đảm bảo cân đối quỹ BHXH.
Theo Bộ Tư pháp, giải pháp này sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, nhưng nếu đóng với thời gian ngắn, mức lương hưu người lao động nhận được thấp có thể không đảm bảo mức sống tối thiểu khi nghỉ hưu. Thậm chí, việc này có thể dẫn đến nguy cơ phải điều chỉnh lương hưu trong tương lai, tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Trong khi đó, dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách chỉ mới đưa ra các nhận xét chung chung, chưa phân tích kỹ các tác động chính sách, nhất là tác động về kinh tế, xã hội; chưa làm rõ tỷ lệ lương hưu tương ứng như thế nào với thời gian đã giảm dần (giữ nguyên mức hưởng 45% như hiện hành hay giảm xuống tỷ lệ nào để vẫn đảm bảo được điều kiện sống cho người lao động).
Do đó, để đảm bảo tính khả thi, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá tác động của chính sách này.
Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu
Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và hướng tới 10 năm.
'Đóng bảo hiểm xã hội 10 năm không thể mong có lương hưu cao'
"Bản chất của bảo hiểm là tích lũy đủ lâu để có tiền khi về già. Người lao động không thể đòi hỏi mức lương hưu cao nếu chỉ tham gia BHXH trong 10 năm", ông Phạm Minh Huân nói.
Tăng tiền hỗ trợ người thất nghiệp học nghề
Người thất nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được hỗ trợ học nghề với chi phí không quá 1,5 triệu đồng mỗi tháng, thay vì 1 triệu đồng như trước đây.