Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

''Bốn nghìn năm hóa núi sông: Một người''

Đã có không ít vần thơ viết về Bác Hồ, nhưng hiếm có một bản trường thiên lục bát dài tới 12.668 câu như nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ (1931 - 2021) đã sáng tác.

Sau 10 năm dành toàn bộ tinh lực cho tập trường thiên để phát hành vào đầu năm 2019, đúng tuổi 90, ông đã vĩnh biệt người thân, bè bạn, theo Bác về thế giới bên kia.

Một người - thơ - tên gọi là tập trường thiên dưới dạng một diễn ca, kể về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ. Tác phẩm được mở đầu bằng hình ảnh của một luồng sáng xuất hiện trong đêm tối nô lệ ngày ấy: “Hoàng Trù thuở ấy tối trời / Làng Sen đêm bỗng rạng ngời Kim Liên”, bởi ông cho rằng, sự ra đời của Người là sự hội tụ linh khí của bốn nghìn năm dân tộc: “Thăng Long - Văn hiến - Tiên Rồng / Bốn nghìn năm hóa núi sông: Một người”.

Cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã “xuất hiện trong miền Nghệ An”, rồi trở thành học sinh và tham gia những cuộc biểu tình năm ấy: “Ô kìa, một cuộc biểu tình / Chống sưu chống thuế, dân mình bốn bên / Tất Thành như một mũi tên / Phóng lên phía trước, đứng lên hàng đầu”.

Truong ca ve Bac anh 1

Sách Một người - thơ - tên gọi. Ảnh: Tầm nhìn.

Từng chặng đường trưởng thành của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã được kể lại, đặc biệt xúc động là khi Nguyễn Tất Thành tìm đến Bình Khê thăm và từ biệt cha già để đi tìm con đường và thực hiện chí hướng của mình.

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã nói về cuộc chia ly này vừa cụ thể trong tình cha con lại vừa khái quát trong nỗi niềm dân quốc, qua đối sánh với cuộc chia tay của cha con danh nhân Nguyễn Trãi: “Đời cha chí đoản hận trường / Con đi cứu nước tìm đường đấu tranh / Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành / Khác đâu Nguyễn Trãi - Phi Khanh thuở nào / Nam Quan xưa bấy nghẹn trào / Bình Khê rày mấy cồn cào, bâng khuâng”.

Xuôi theo bước chân Nguyễn Tất Thành từ Bình Khê vào Phan Thiết - Sài Gòn là những vần thơ về quãng đời dạy học của thầy giáo Nguyễn Tất Thành, quãng đời lăn lộn, hòa mình trong hơi thở của đời sống người lao động với tất cả suy ngẫm sâu sắc và đầy ắp ân tình của người công nhân Văn Ba trên bến cảng. Thời cơ đến, Người đã lên tàu bôn ba tìm đường cứu nước, rồi trở về thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: “Ba mươi năm ấy nơi này / Đảng chung hợp nhất, đêm dày mây lam / Thành “Đảng Cộng Sản Việt Nam” / Không còn rẽ tứ chia tam lắm vùng”.

Tiếp theo, tác phẩm kể chi tiết về chặng đường gian nan cho đến ngày Người về nước thành lập Mặt trận Việt Minh; sang Trung Hoa tranh thủ sự ủng hộ của láng giềng, bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam; ra tù về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng vượt qua bao khó khăn gian khổ, chớp thời cơ giành độc lập nước nhà: “Chính quyền Cách mạng về ta / “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” khai sinh / Chủ tịch nước - Hồ Chí Minh / Tuyên ngôn Độc lập Ba Đình rền vang / Rợp trời cờ đỏ sao vàng / Mồng hai tháng chín đậm trang Sử hồng / “Đồng bào nghe nói rõ không?” / Khắp trời đáp - Rõ! - Mênh mông hào hùng”.

Đất nước đã khai sinh nhưng những ngày đấu tranh giữ nền độc lập vẫn còn chưa hết. Những câu thơ tiếp tục viết về cuộc kháng chiến chống Pháp “trường kỳ, gian khổ, tự lực cánh sinh”, về 21 năm đất nước bị chia cắt. Và, ngay khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang lúc cam go thì Người vĩnh viễn ra đi. Ngày ấy, cả nhân dân đầm đìa nước mắt, núi sông phủ trắng khăn tang: “Khi Đài Tiếng nói Việt Nam / Loan tin Bác mất sắc chàm trắng hoang / Trắng hoang sóng bạc, lá vàng / Trắng hoang sông núi để tang MỘT NGƯỜI / Trắng hoang vạn vật xanh tươi / Trắng hoang đến cả mười mươi lòng mình!”.

Nhưng không dừng lại ở cuộc đời của Bác với “79 mùa xuân”, tác phẩm tiếp tục tôn vinh sức sống vĩnh cửu của tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự nghiệp Hồ Chí Minh trong trái tim của người dân Việt Nam và toàn thế giới. Sau khi Bác mất, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân từ Nam chí Bắc đã biến đau thương thành sức mạnh quyết “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, và đúng như lời tiên đoán của Bác: “Ba mươi, tháng bốn, bảy lăm / Chiến dịch tên Bác phăm phăm Sài Gòn / Cờ sao giải phóng nước non / Đỏ trời rợp đất, mẹ con trùng phùng / Vợ chồng trọn nghĩa thủy chung / Bắc Nam thống nhất tựu trung một nhà”.

Đến đây, dòng chảy của tác phẩm như chậm lại để những câu thơ tự lan tỏa. Lan tỏa sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để lại cho đời. Dùng thủ pháp “thủ vĩ ngâm” truyền thống, tác giả Nguyễn Thế Kỷ kết thúc tác phẩm bằng hai câu thơ đã xuất hiện ngay ở đoạn mở đầu: “Thăng Long - Văn Hiến - Tiên Rồng / Bốn ngàn năm hóa núi sông một người!”.

Là diễn ca về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng Một người - thơ - tên gọi cũng là diễn ca về lịch sử hào hùng của dân tộc với nhiều câu lục bát hay, đậm chất thơ, nhận được sự đánh giá cao về chất lượng và ý nghĩa của tác phẩm trong đời sống văn học, nghệ thuật.

Nhật ký hành trình bốn tháng sang Pháp của Hồ Chủ tịch

"Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch - Bốn tháng sang Pháp" của Đ.H. là cuốn sách mới được Nhà xuất bản Trẻ phát hành nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xuất bản 'Nhật ký trong tù' do Quách Tấn phỏng dịch

"Nhật ký trong tù" là tác phẩm phỏng dịch lại "Ngục trung nhật ký” của Chủ tịch Hồ Chí Minh do nhà thơ Quách Tấn thực hiện.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/1064675/bon-nghin-nam-hoa-nui-song-mot-nguoi

Mai Bá Ấn/Hà Nội mới

Bạn có thể quan tâm