Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Y tế lên tiếng sau vụ nâng khống giá kit test nhanh của Việt Á

Bộ Y tế cho rằng mức giá sinh phẩm xét nghiệm là công khai để các cơ sở y tế nắm bắt, tham khảo khi phục vụ phòng, chống dịch chứ không phải là giá bắt buộc áp dụng.

Ngày 21/12, Bộ Y tế đã thông tin về các nội dung liên quan đến việc cấp phép lưu hành sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Trước đó 3 ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á), Phạm Duy Tuyến (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương) cùng 5 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cong ty Viet A anh 1

Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á. Ảnh: Báo Chính phủ.

Sản phẩm của Công ty Việt Á không phụ thuộc vào WHO công bố

Theo Bộ Y tế, ngày 3/3/2020, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 đề tài: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)” đã họp và đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho 2 bộ sinh phẩm.

Đây là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, được thực hiện giữa Học viện Quân y và Công ty Việt Á.

Ngày 4/3/2020, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng tạm thời cho 2 bộ sinh phẩm nói trên trong thời hạn 6 tháng để sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc. Việc cấp phép này đã đảm bảo đáp ứng nhu cầu xét nghiệm tại thời điểm rất khó khăn khi tiếp cận với nguồn cung ứng sinh phẩm trên thế giới.

Ngày 4/12/2020, Bộ Y tế có quyết định cấp phép lưu hành 5 năm đối với bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á và một sản phẩm cùng loại của Công ty cổ phần Sao Thái Dương.

Tính đến ngày 20/12, Bộ Y tế cấp phép 146 sinh phẩm xét nghiệm, trong đó có 46 sinh phẩm giống sản phẩm của Công ty Việt Á. Bộ xác định việc cấp phép cho nhiều sản phẩm nhằm tăng cường nội địa hóa, chủ động nguồn cung và tạo sự cạnh tranh về giá sinh phẩm xét nghiệm.

"Tất cả sản phẩm cấp phép đều được đánh giá đạt yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam và đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành. Các sản phẩm sau khi được cấp phép đều được theo dõi chất lượng và tính ổn định", Bộ Y tế thông tin và cho rằng việc cấp phép đối với sản phẩm của Công ty Việt Á hay đơn vị khác không phụ thuộc vào danh sách do WHO công bố.

Bộ Y tế nói về mức giá 470.000 đồng của Công ty Việt Á

Về mức giá sinh phẩm xét nghiệm phải thông qua đấu thầu công khai, minh bạch, Bộ Y tế nêu rõ theo quy định của Luật Giá, thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc danh mục mặt hàng phải quản lý giá. Mức giá được xác định thông qua đấu thầu, giá sản phẩm cũng khác nhau theo từng thời điểm và số lượng mua sắm, khả năng cung ứng.

Theo Bộ Y tế, cùng thời điểm Công ty Việt Á niêm yết giá 470.000 đồng/test, một số đơn vị khác cũng công bố mức giá từ 179.000 đồng đến 600.000 đồng/sản phẩm. Các thông tin này được công khai để các cơ sở y tế nắm bắt, tham khảo khi phục vụ phòng, chống dịch mà không phải là giá bắt buộc áp dụng.

Phan Quốc Việt (áo đen) và 4 thuộc cấp bị khởi tố. Ảnh: Bộ Công an.
Cong ty Viet A anh 2
Cong ty Viet A anh 2

Phan Quốc Việt (áo đen) và 4 thuộc cấp bị khởi tố. Ảnh: Bộ Công an.

Các địa phương chủ động về mua sắm, đấu thầu

Bộ Y tế cũng cho biết đã đề nghị các địa phương chủ động mua sắm, đấu thầu trang thiết bị đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch tại chỗ. Trong đó, quy trình mua sắm vật tư, sinh phẩm tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu 2013, Nghị định số 63/2013 của Chính phủ và Thông tư 58/2016 của Bộ Tài chính. Đối với trang thiết bị y tế thì căn cứ thêm Thông tư 14 của Bộ Y tế và các văn bản khác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

"Các địa phương, đơn vị phải đấu thầu, mua sắm theo các quy định hiện hành và tự chịu trách nhiệm về việc mua sắm này", Bộ Y tế nhấn mạnh. Bên cạnh đó, bộ đã gửi công văn cho các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và cung ứng sinh phẩm xét nghiệm. Trong đó nghiêm cấm tăng giá hoặc đầu cơ, tích trữ và thực hiện việc cập nhật, rà soát, công khai minh bạch về giá trên cổng điện tử.

Đặc biệt, với những vấn đề liên quan đến tham nhũng, tiêu cực và lợi ích nhóm trong công tác phòng dịch, Bộ Y tế cho biết thời gian qua đã có nhiều văn bản đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát kế hoạch mua sắm đảm bảo đủ số lượng, đúng chủng loại phù hợp; thực hiện đấu thầu, mua sắm vật tư, đặc biệt là mặt hàng phục vụ công tác chống dịch đúng quy định, công khai, minh bạch.

Bộ Y tế đánh giá hành vi nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á là rất nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm minh.

Liên quan sản phẩm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, ngày 20/12, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã gỡ thông tin “WHO chấp thuận kit test của Công ty Việt Á” trên trang web chính thức của bộ. Đại diện Bộ KH&CN lý giải do có sai sót về mặt thông tin nên gỡ bài.

Thực chất WHO mới chỉ chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng, không phải chấp thuận sử dụng.

Dù kit không được WHO chấp thuận sử dụng nhưng vẫn được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam trong 2 năm phòng chống dịch.

Đại diện Bộ KH&CN cho rằng việc WHO chấp nhận hay không độc lập với quyết định cấp phép sử dụng của Bộ Y tế.

Trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc doanh nghiệp này), ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) và 5 bị can khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Kết quả điều tra cho thấy sau khi ký 5 hợp đồng cung ứng kit xét nghiệm cho CDC Hải Dương với tổng trị giá 151 tỷ đồng, Việt Á đã chi “lại quả” ngoài hợp đồng cho ông Tuyến gần 30 tỷ.

Bài liên quan

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm