Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ đội Trường Sơn đấu trí, dùng cassette cũ đánh lừa B-52 Mỹ

Để đối phó với các thiết bị trinh sát kỹ thuật, cây nhiệt đới do không quân Mỹ rải xuống đường Trường Sơn, bộ đội đoàn 559 đã có biện pháp lừa B-52 ném bom vào chỗ không người.

Trong cuốn 5 đường mòn Hồ Chí Minh (NXB Tri thức, 2008), chuyên gia lịch sử kinh tế Đặng Phong đã miêu tả những cuộc đấu trí của bộ đội Binh đoàn 559 anh hùng với lực lượng không quân tối tân của Mỹ, tiêu biểu là câu chuyện hàng ngàn tấn bom đổi một chiếc cassette cũ.

Theo đó, từ năm 1968, không quân Mỹ bắt đầu rải những vật thám báo (sensor) xuống tuyến đường vận tải Tây Bình Trị Thiên và Nam Lào. Ban đầu các đoàn vận tải không biết vì lý do gì mà cứ xe nổ máy, chiến sĩ gọi nhau lên đường là có ngay máy bay tới bắn phá, ẩn nấp xong, lên đường, thì máy bay lại tới.

Ban đầu, ban chỉ huy nghi rằng có thám báo nên đã cho ngừng hành quân để lùng sục khắp vùng, nhưng vẫn tuyệt nhiên không bắt được một tên biệt kích nào. Nhưng những chiến sĩ đi lùng sục trong rừng lại tìm thấy rất nhiều vật lạ. Giới kỹ thuật nhạy bén "ngửi" ngay thấy chuyện gì đó: Có thể đó là những tên “thám báo” điện tử? Nghiên cứu kỹ, thấy quả đúng như vậy.

Ngay sau đó, một binh trạm trưởng thuộc Binh trạm 34 tên là Nguyễn Khang đã nảy ra sáng kiến: Dùng nó để lừa nó. Một kế hoạch đã được thực hiện gấp rút.

Các chiến sĩ binh đoàn Trường Sơn đã tiến hành "vặt râu” tất cả các sensor để nó ngừng hoạt động. Sau đó mở bản đồ, chọn những hẻm núi không có người, không có đường sá, cho những sensor hoạt động. Binh trạm xin một chiếc đài cũ của ban chỉ huy, ghi tiếng xe chạy, máy nổ... và đưa tới một địa điểm hoang vắng gọi là hang Chó Sói ở phía Tây Trường Sơn.

Sau khi các sensor được cắm lại "râu” như cũ thì bật đài. Quả nhiên chỉ mươi, mười lăm phút sau, toàn bộ Tư Lệnh binh đoàn ngạc nhiên nghe thấy tiếng ù ù như tiếng xay lúa, đó là âm thanh quen thuộc khi có B-52 đến. Đúng là hàng đoàn B-52 tới rải bom liên tục ở hang Chó Sói?

Từ thành công đó, Nguyễn Khang lại đề nghị xin một chiếc đài nữa, ghi âm một xưởng máy đang hoạt động. Cũng làm như trên, và một địa điểm khác không người, gọi là Hẻm Cù Là, trên đỉnh núi Pagơnham, thuộc Tây Trường Sơn. B-52 lại tới. Sau đó bên tình báo quân đội cho biết: Mỹ đã đưa tin: “Hôm trước đã đánh phá tan nát một đoàn xe lớn của Việt cộng. Hôm sau đã phát hiện một xưởng máy giữa Trường Sơn và đã biến nó thành cát bụi”.

Suốt 15 ngày sau đó, Trạm 34 lại dùng đài phối hợp với những sensor, hôm thì tiếng nói cười của các chiến sĩ Sư đoàn 35, hôm thì tiếng vận chuyển đại bác qua đèo... Tổng cộng suốt 15 ngày, B-52 đều đến đánh phá vào khu vực không người. Mỗi lần đã có hàng ngàn tấn bom rải xuống, tiêu diệt được một chiếc cassette cũ kỹ...

Tác giả Đặng Phong viết tiếp: Áp dụng kế “Gậy ông đập lưng ông”, với những kết quả rất hiệu nghiệm kể trên, hình như các chiến sĩ Đoàn 559 còn đi xa hơn nữa: Dùng Mỹ đánh Mỹ. Cũng theo phương pháp trên, những chiếc cassette được đặt bí mật vào sát các khu căn cứ của Mỹ. Và kết quả thật bất ngờ: cũng bị giội bom.

Duong Truong Son,  Doan 559,  duong mon Ho Chi Minh,  B-52 anh 1
Cuốn 5 đường mòn Hồ Chí Minh chỉ rõ các cách quân đội nhân dân Việt Nam vận chuyển nhân lực vào chiến trường miền Nam để đánh thắng quân đội Mỹ.

Việc này làm cho Bộ Chỉ huy Mỹ kinh hoàng, bối rối. Nhiều giả thiết được đặt ra. Mà theo logic rất Mỹ thì cái giả thiết được lưu ý nhất là: Tình báo Bắc Việt Nam đã có cách gì đó lọt được vào hệ thống mạng chỉ huy tối mật của quân đội Mỹ.

Họ đã đánh giá quá cao trình độ tin học của đối phương lúc đó. Họ không ngờ rằng thực ra đó chỉ là một sáng kiến rất Việt Nam của một anh tiểu đội trưởng tên là Nguyễn Khang, chỉ chuyên nghề binh trạm thôi, chứ không phải là chuyên gia xuất sắc gì về kỹ thuật informatic trong chỉ huy chiến trường…

Cuốn 5 đường mòn Hồ Chí Minh của Đặng Phong cho biết, để vận chuyển nhân lực, tài lực vào phục vụ chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã sử dụng hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại, trong đó, bên cạnh con đường mòn xuyên dải Trường Sơn và con đường trên biển của các đoàn tàu không số, còn có 3 con đường cũng không kém phần quan trọng nữa là đường ống xăng dầu, đường hàng không và đường chuyển ngân để đưa hàng chục triệu đôla sang Campuchia, thậm chí vào tận Sài Gòn để quân ta mua lương thực, thuốc men, thiết bị, thậm chí mua cả vũ khí của quân đội Sài Gòn để đánh giặc...


Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm