Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công Thương đề xuất làm thêm 2.428 MW điện mặt trời

Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cho triển khai tiếp để năm 2030 vận hành thương mại khoảng 2.428 MW điện mặt trời.

Bộ Công Thương vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc rà soát một số nội dung của quy hoạch điện VIII. Theo đó, Bộ này kiến nghị được triển khai các dự án, phần dự án điện mặt trời đã hoàn thành thi công và dự án đã được chấp thuận nhà đầu tư đến năm 2030...

Theo Bộ Công Thương, quy hoạch điện VIII đã kiến nghị về điện mặt trời, theo đó quy hoạch điện VIII đã không đưa các nguồn điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung điều chỉnh nhưng chưa vận hành vào cân đối cung - cầu điện năng.

"Tuy nhiên, xét tới các rủi ro về pháp lý có thể phát sinh trong trường hợp giãn tiến độ của các dự án đã được chấp thuận nhà đầu tư và các nguồn điện mặt trời là nguồn điện năng lượng tái tạo, phát huy tiềm năng năng lượng sơ cấp trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nên cần được xem xét để triển khai với điều kiện phải được kiểm soát", cơ quan này cho biết.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030, các dự án, hoặc phần dự án đã hoàn thành thi công với tổng công suất khoảng 452,62 MW và các dự án đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất khoảng 1.975,8 MW nhưng chưa vận hành.

Dự thảo quy hoạch điện VIII đã 2 lần được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, nhưng tới giờ vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt. Ảnh: EVN.
de xuat lam them dien mat troi anh 1
de xuat lam them dien mat troi anh 1

Dự thảo quy hoạch điện VIII đã 2 lần được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, nhưng tới giờ vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt. Ảnh: EVN.

Bộ cũng lưu ý các dự án này cần phải tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, bám sát khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện. Đồng thời tuân thủ theo đúng cơ chế giá điện tại thời điểm đưa vào vận hành, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án theo cơ chế được duyệt.

Ngoài ra, cơ quan này kiến nghị, giãn tiến độ các dự án đã được quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất 4.136,25 MW sang giai đoạn sau năm 2030.

"Định kỳ hàng năm thực hiện rà soát, tính toán khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất cục bộ, vận hành an toàn kinh tế của hệ thống. Trường hợp cần thiết, xem xét báo cáo Chính phủ cho phép đẩy lên giai đoạn trước năm 2030 nếu các nguồn khác chậm tiến độ để đảm bảo cung ứng điện và tranh thủ mức giá ngày càng rẻ của điện mặt trời", Bộ Công Thương cho hay.

Trước đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải có quan điểm rõ về việc phát triển điện mặt trời đến năm 2030 bởi trong báo cáo về dự thảo quy hoạch điện VIII, Bộ này cho biết trong vòng 10 năm (2021-2030) không đưa vào quy hoạch phát triển điện mặt trời và giãn tiến độ các dự án đã có trong quy hoạch giai đoạn trên (tổng công suất 6.200 MW) song chưa triển khai, sang giai đoạn sau 2030.

Nhưng, tại công văn ngày 20/5, Bộ này lại đề nghị xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng "hướng xử lý nên như thế nào" đối với 6.200 MW điện mặt trời đã có trong quy hoạch điện VII điều chỉnh nêu trên. Lý do được bộ này đưa ra khi đề nghị triển khai tiếp các dự án trên là để "tránh rủi ro pháp lý, khiếu kiện và đền bù cho các nhà đầu tư".

Còn về quy hoạch điện khí LNG nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định, các dự án LNG dự kiến phát triển trong quy hoạch điện VIII đến năm 2030 với tổng công suất 23.900 MW (chiếm 16,4%) là cần thiết.

Bài liên quan

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm