Chiều 13/8, sau buổi kiểm tra công tác tiêm vaccine tại huyện Hóc Môn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên có trao đổi với báo chí. Ông cho biết TP.HCM chỉ sử dụng loại vaccine có chất lượng, đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép và Bộ Y tế thẩm định.
Nguồn cung vaccine hạn chế
Ông chia sẻ về quy trình, các điểm tiêm vaccine cần thông tin trước về loại vaccine sẽ tiêm cho người dân để họ đến tiêm trên tinh thần tự nguyện, tránh để người dân bị bất ngờ.
Sáng cùng ngày, tại một điểm tiêm ở quận 1 xảy ra tình trạng người dân không đồng ý tiêm sau khi biết sẽ tiêm vaccine Vero Cell. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ lại thì nhiều người đã quay trở lại để tiêm.
Bí thư cho biết khi mua vaccine, thành phố đã tiếp cận nhiều nguồn nhưng thực tế là nguồn cung rất hạn chế, không phải muốn mua là được.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh tinh thần "Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất, kịp thời nhất". Ông khẳng định người dân tiêm vaccine hoàn toàn tự nguyện, nhưng cũng mong người dân hiểu bối cảnh hiện nay.
Bí thư chia sẻ lô vaccine Vero Cell do nhà tài trợ kết hợp với Công ty Dược Sài Gòn (Sapharco) tiếp cận mua. Đến nay, nhiều tỉnh chưa mua được và có đề nghị mượn thành phố nhưng thành phố phải ưu tiên cho người dân trước.
Với những người chưa tiêm, Bí thư đề nghị phải giữ gìn, đảm bảo 5K, không để lây cho mình cũng như người khác. Người tiêm rồi cũng không được chủ quan mà phải tiếp tục phòng tránh lây nhiễm.
Bí thư nhắc lại mục tiêu tiêm cho phủ vaccine cho người dân trước 15/9 và nhấn mạnh trong tình hình vaccine như hiện nay, sự ủng hộ của người dân có vai trò quyết định.
Người dân cần tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe chính mình
Cũng nói về vấn đề này, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết nhờ có 5 triệu liều vaccine Vero Cell kết hợp với hỗ trợ của Bộ Y tế, thành phố tương đối chủ động. Hai yếu tố quan trọng để đạt mục tiêu đề ra là sự hợp tác của người dân và lượng vaccine ổn định.
Hiện, thành phố có khoảng 4,3 triệu người đã tiêm và có ít nhất 7 triệu người cần được tiêm. Khi đạt được độ phủ như mục tiêu, thành phố có thể đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Như vậy, nhiều hoạt động có thể quay trở lại bình thường. Tuy nhiên, quan trọng nhất là hạn chế trường hợp tử vong.
"Thống kê thế giới cho thấy người tiêm đủ 2 liều vaccine thì xác suất trở nặng và tử vong thấp hơn, phải ý thức được điều đó. Khi ta bảo vệ sức khỏe chính mình thì sẽ bảo vệ được sức khỏe xã hội", ông Đức nhắn nhủ.
Trước đó, sáng 13/8, UBND quận 1 tổ chức tiêm vaccine cho người dân. Đến 9h, do vaccine AstraZeneca hết nên quận thông tin cho người dân về việc sẽ tiêm tiếp bằng vaccine Sinopharm. Tuy nhiên, một số người phản ứng và bỏ về. Sau đó, quận tiếp tục tổ chức tiêm Sinopharm cho 52 người dân tại điểm này.
Trao đổi với Zing, Bí thư quận 1 (TP.HCM) Trần Kim Yến cho biết các vaccine triển khai hiện nay đều đã được Bộ Y tế thẩm định, cấp phép.
"Hiện người dân vẫn còn tâm lý lựa chọn. Chúng tôi đã giải thích rõ thì một số người bỏ về, tuy nhiên phần đông vẫn ở lại và đồng ý tiêm", bà Yến nói.
Bí thư quận 1 cũng cho biết địa phương tiếp tục tuyên truyền, động viên người dân việc tiêm vaccine vẫn là trên tinh thần tự nguyện. Người dân được đăng ký bằng phiếu, ai đồng ý mới cho tiêm.
TP.HCM sử dụng thuốc Molnupiravir cho F0 điều trị tại nhà
Kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir tại Mỹ và Ấn Độ cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa.
Đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu lại việc xét nghiệm toàn dân
Ban Dân vận Trung ương đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế xem xét không di chuyển F0, F1 ra ngoài về khu tập trung; nghiên cứu lại việc xét nghiệm toàn dân và chỉ áp dụng khi có F0.
Thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được phân công làm Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine. Tổ phó là thứ trưởng Bộ Y tế và Ngoại giao.