Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí quyết 'bỗng dưng có lãi' của doanh nghiệp Việt

Sa thải nhân viên, hòan nhập dự phòng, đại hạ giá sản phẩm... là những chiêu nhiều doanh nghiệp thực hiện để có lãi vào cuối năm 2012.

Bí quyết 'bỗng dưng có lãi' của doanh nghiệp Việt

Sa thải nhân viên, hòan nhập dự phòng, đại hạ giá sản phẩm... là những chiêu nhiều doanh nghiệp thực hiện để có lãi vào cuối năm 2012.

Sa thải nhân viên là chiêu đầu tiên mà các doanh nghiệp nghĩ đến khi gặp khó khăn. Không phải là người đi đầu nhưng công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín (SBS) lại gây sốc nhất khi sa thải hàng loạt nhân viên. Tính đến cuối quý 1/2012, tổng số nhân viên của SBS là 199 người, giảm 62 người so với cuối năm 2011. Trong năm 2011, số viên viên của công ty giảm từ 384 người xuống 261 người. SBS liên tục cắt giảm nhân sự khi tình hình tài chính gặp khó khăn.

Để xoa dịu “lòng dân”, Tổng giám đốc SBS, ông Võ Duy Đạo đã gửi “tâm thư” tới các đồng nghiệp sau đợt cắt giảm nhân sự đầu năm 2012. Trong tâm thư ông Đạo viết: “Hiện nay SBS đang đứng trước một thách thức vô cùng to lớn trong con đường phát triển của mình 'tồn tại hay không tồn tại'... Thực tế, tình trạng tài chính của SBS không còn đủ khả năng để trang trải cho những chiến lược kinh doanh hào nhoáng, tham vọng và mạo hiểm nữa. SBS cần phải nhận thức rõ thực trạng và cần phải 'khéo co thì ấm' cho hoạt động của mình để tìm kiếm cơ hội tồn tại".

Doanh thu giảm nhưng lợi nhuận của nhiều công ty vẫn tăng nhờ tiết kiệm chi phí, hoàn nhập dự phòng.

Công  ty Cổ phần Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) cũng là trường hợp thoát lỗ nhờ thu hẹp nhân sự. Theo giải trình của doanh nghiệp này, nguyên nhân chính mang lại lợi nhuận của quý IV/2012 là cắt giảm tối đa chi phí, trong đó, việc cơ cấu lại bộ máy nhân sự thông qua cắt giảm 25%, tiết kiệm hàng loạt các khoản khác giúp giảm tổng chi phí khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Ăn” của để dành

Trong quý IV/2012, ông lớn của ngành chứng khoán, Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) gây ấn tượng khi công bố lợi nhuận trước thuế đạt 123 tỷ đồng, gấp 3,8 lần quý IV/2011, lợi nhuận sau thuế đạt 101,5 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ 2011.

Có nhiều nguyên nhân giúp SSI lãi khủng nhưng nhân tố quan trọng không thể không kể tới đó là trong quý IV/2012 SSI được hoàn nhập dự phòng 111 tỷ đồng. SSI đã thu hồi khoản đầu tư 595 tỷ đồng từ Quỹ tầm nhìn SSIVF trong quý cuối cùng của năm 2012. Danh mục tự doanh đã giảm khoản đầu tư vào chứng chỉ quỹ tầm nhìn một khoản tương ứng và cũng hoàn nhập lại gần 100 tỷ dự phòng giảm giá chứng chỉ quỹ Tầm nhìn.

Công ty Chứng khoán Kim Long cũng được hưởng lợi nhờ hoàn nhập dự phòng. Lợi nhuận của KLS quý 4/2012 là 63 tỷ đồng, cả năm lãi gần 22 tỷ đồng. KLS có lợi nhuận đáng kể nhờ được hoàn nhập 34 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán.

Đại hạ giá sản phẩm

Quý IV/2012, Quốc Cường Gia Lai (QCG) bất ngờ có lãi. Theo giải trình của QCG, tổng doanh thu quý 4/2012 tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước là do công ty đã xây dựng hoàn thành và bàn giao một phần căn hộ dự án Giai Việt và tiếp tục bàn giao căn hộ cũng như đất nền của một số dự án khác như: Mansion, Trung Nghĩa, 13E Phong Phú Bình Chánh và một phần doanh thu từ khách hàng đã thanh lý hợp đồng mua căn hộ trước đây.

Dù không biết QCG chuyển nhượng dự án với giá bao nhiêu nhưng hồi tháng 8/2012, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thị Như Loan đã chia sẻ về thiệt thòi khi phải bán dự án: “Giống như các doanh nghiệp bất động sản khác, Quốc Cường Gia Lai cũng đang phải tìm cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ một số dự án. Chuyển nhượng thời điểm này thì phải chịu giá thấp hơn so với trước đây, nhưng Quốc Cường Gia Lai vẫn phải bán để giảm dư nợ và tránh áp lực lãi vay”.

Trong năm qua, thị trường bất động sản cũng chứng kiến đợt “đại hạ giá” sản phẩm của Hoàng Anh Gia Lai.Ngày 3/10, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã chính thức mở bán 600 căn hộ thuộc dự án Thanh Bình với mức giá khoảng 19 triệu đồng/m2 (giao nhà thô, chưa thuế) như lời hứa giảm 50% giá trị căn hộ của bầu Đức trước đó.

Mức giá này được cho là “phá giá” khi các dự án trong khu vực liền kề như dự án Sunrise City của NovaLand có giá bán khoảng 40 triệu/m2 và Kenton Residence của công ty Tài Nguyên đang có giá bán khoảng 31 triệu đồng/m2. Tuy nhiên có thể thấy, khác với Quốc Cường Gia Lai, lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai không chỉ đến từ đại hạ giá sản phẩm.

Theo VTC

Theo VTC

Bạn có thể quan tâm