Nằm khuất trong khu dân cư phường Tân Thới Nhất, quận 12 (TP.HCM), Bệnh viện dã chiến thu dung F0 số 2 đã hoạt động được 15 ngày.
Trái hẳn với không khí tấp nập tại các bệnh viện F0 mới vận hành ở Thủ Thiêm, khung cảnh tại bệnh viện nằm ở phía tây TP.HCM tương đối yên ắng. Các bác sĩ, điều dưỡng cho biết họ đang đợi kết quả xét nghiệm của các F0 đã nhập viện được hơn 10 ngày. Nếu âm tính, họ có thể được xuất viện sớm theo chủ trương mới.
Tâm lý tốt mới nhanh khỏi bệnh
Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 2, cho biết bệnh viện đã trải qua hơn 2 tuần vận hành với hơn 2.000 F0 đang được điều trị.
"Có khoảng 10% F0 trở nặng, phải chuyển lên tuyến trên. Nhiều bệnh nhân vẫn giữ được sức khỏe ổn định và đang chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 sau 8-10 ngày cách ly", ông Dũng nói.
Các y bác sĩ mỗi ngày 2 lần ghé qua phòng bệnh để theo dõi sức khỏe và động viên tinh thần bệnh nhân. Câu hỏi thường xuyên nhất là: "Anh, chị có khó khăn gì không?"
"Sau khi nghe họ nói, chúng tôi cố gắng đáp ứng hết sức có thể. Dĩ nhiên có những nhu cầu như đòi hút thuốc thì không thể đáp ứng", bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh, Phó chủ tịch công đoàn Bệnh viện Răng hàm mặt đang công tác tại Bệnh viện dã chiến số 2, chia sẻ.
Việc phải sống trong 4 bức tường không thỏa mãn được các thói quen hàng ngày khiến nhiều bệnh nhân phản ứng tiêu cực. Bác sĩ Khánh đã chứng kiến cảnh bệnh nhân F0 la hét, làm loạn phòng bệnh đến nỗi lực lượng công an phải can thiệp.
"Bệnh nhân càng hoang mang khi thấy mạng xã hội đưa nhiều hình ảnh tiêu cực về dịch bệnh. Nếu không được chăm sóc tinh thần, họ sẽ suy sụp và số ca chuyển biến nặng sẽ nhiều hơn", vị bác sĩ nói.
Ngoài hoạt động điều trị, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân cố gắng ăn uống nhiều để giữ gìn sức khỏe, phải vận động nhẹ nhàng, tránh nằm nhiều, giữ gìn phòng ốc sạch sẽ, thông thoáng.
"Đôi khi tôi hay đùa giỡn là các anh chị cứ mở chương trình Thách thức danh hài đi, đừng lên mạng đọc tin giả. Tinh thần vui lên thì sẽ mau chóng khỏi bệnh. Các anh chị ra khỏi bệnh viện này mừng một thì chúng tôi mừng mười", bác sĩ Khánh nở nụ cười.
Bên cạnh những bệnh nhân tâm lý bất ổn, cũng có rất nhiều người bệnh trẻ khỏe, năng động và suy nghĩ tích cực. Họ đã giúp các bác sĩ quan sát những vấn đề trong phòng của mình.
"Có rất nhiều bệnh nhân như vậy và họ giúp đỡ nhân viên y tế rất nhiệt tình", bác sĩ Khanh nói và cho biết các bác sĩ từng hướng dẫn những "trưởng phòng" này sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2). Họ tự đo cho các bệnh nhân khác trong phòng và báo ngay cho bác sĩ khi chỉ số SpO2 tụt thấp.
3 cảm giác mà F0 cần khi nhập viện
"Nhóm của tôi mới thành lập nhưng đã đăng ký được 100 thành viên", chuyên gia tâm lý, tiến sĩ Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ với Zing.
100 thành viên ông nói tới là các chuyên gia tâm lý với trình độ thạc sĩ hoặc cử nhân có chứng chỉ hành nghề. Họ sẵn sàng kết nối online với các bệnh nhân F0 tại TP.HCM.
Chuyên gia tâm lý nhận định điều kiện vật chất trong bệnh viện dã chiến lúc này giống như cốc nước đã vơi một nửa. Nếu bệnh nhân cứ chằm chằm nhìn vào phần vơi thì sẽ suy nghĩ tiêu cực và lan truyền sự tiêu cực ấy cho mọi người.
"Lúc này, cần một người tâm sự, hướng góc nhìn của họ xuống dưới để thấy rằng ít ra cốc vẫn có nước, để cảm thấy an lòng", tiến sĩ Nam chia sẻ.
Theo chuyên gia tâm lý, 3 cảm giác mà F0 cần nhất lúc này là "trấn tĩnh", "được quan tâm" và "không bị mất kết nối". Để giải quyết nhu cầu này, cần thành lập các nhóm chuyên môn hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân. Họ có thể là nhân viên công tác xã hội, chuyên gia tâm lý, sinh viên ngành sư phạm, tâm lý giáo dục... Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cần coi đây như một chính sách.
Theo tiến sĩ Trần Thành Nam, hoạt động trao đổi giữa chuyên gia và bệnh nhân nhằm 4 mục tiêu. Thứ nhất là cập nhật cho bệnh nhân biết điều gì đang xảy ra, thông tin nào là chính thống, đâu là thông tin giả về tình hình dịch bệnh.
Thứ hai là lắng nghe xem hoàn cảnh của bệnh nhân ra sao, họ có những lo lắng gì. Làm thế để bệnh nhân cảm thấy mình được thấu hiểu và không bị bỏ mặc.
Thứ ba là thể hiện sự tôn trọng với họ, tránh để họ nghĩ việc mắc bệnh như là một tội lỗi. Coi việc chấp hành cách ly của họ giống như sự hy sinh cho gia đình và đất nước.
Thứ tư là tìm ra các trường hợp bị sang chấn tâm lý, trầm cảm để có biện pháp trị liệu tâm lý phù hợp.
Khi bắt đầu triển khai, các bệnh nhân có thể kết nối với chuyên gia tâm lý thông qua đường dây nóng hoặc qua các ứng dụng như Zalo, Zoom. Các chuyên gia có thể lắng nghe các vấn đề của họ và đưa ra giải pháp trị liệu.
Bên cạnh việc chăm sóc tâm lý, tiến sĩ Trần Thành Nam cũng lưu ý rằng các nhu cầu ăn ở cơ bản của bệnh nhân phải được đáp ứng. Nếu những nhu cầu tối thiểu cũng giải quyết không xong thì không thể nói gì với họ về mặt tâm lý.
"Trường hợp bệnh nhân có những vấn đề quá phức tạp, không thể giải quyết thông qua trao đổi thì ít nhất các chuyên gia cũng là một kênh giúp họ phản ánh", ông Nam nói và cho biết có nhiều bệnh nhân không lo về sinh hoạt của mình nhưng lo người thân ở nhà gặp khó khăn, mất chỗ nương tựa.