Tại lối vào của phòng trưng bày chật kín khách tham quan ở Thượng Hải là bức tượng cô gái mặc chiếc váy trắng xinh xắn. Cơ thể cô bị bao phủ bởi những câu từ miệt thị nguệch ngoạc viết bằng mực đỏ và đen: "Cô thật xấu xí", "Eo quá lớn", "Cô trông như một con heo".
Tác phẩm nghệ thuật này là một phần của cuộc triển lãm mang tính bước ngoặt ở Trung Quốc với tựa đề "Anti Body-Shaming" (tạm dịch: ngưng miệt thị ngoại hình), khai mạc vào ngày 14/5, Sixth Tone đưa tin. Đây là sự kiện đầu tiên thu hút sự chú ý của công chúng nước này về cuộc khủng hoảng sức khỏe thường bị bỏ qua: số lượng phụ nữ và trẻ em gái mắc chứng rối loạn ăn uống gia tăng đáng báo động.
Các chuyên gia y tế cho rằng các tiêu chuẩn sắc đẹp độc hại khi khuyến khích giảm cân, sự cạnh tranh gay gắt trong xã hội Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới các trường hợp biếng ăn, ăn uống không kiểm soát tăng vọt trong những năm gần đây.
"Thấy mình đã rất gầy tôi vẫn không dám ăn"
Zhang (24 tuổi), người phụ trách chương trình “Anti Body-Shaming”, biết rõ mức độ nguy hiểm của chứng rối loạn ăn uống. Cô bắt đầu vật lộn với chứng rối loạn khi bắt đầu vào đại học.
Khi còn ở trung học, Zhang phải tập trung chuẩn bị cho kỳ thi gaokao, kỳ tuyển sinh đại học nổi tiếng khắc nghiệt ở Trung Quốc. Năm 2015, mới vào đại học, có nhiều thời gian rảnh hơn, cô bắt đầu dành hàng tiếng đồng hồ đọc những bài viết để có thân hình hoàn hảo trên mạng.
Zhang quyết định ăn kiêng. Ban đầu cô chỉ muốn làm cho đôi chân gầy hơn để "tự tin khi bước đi", cô dùng một ứng dụng để theo dõi lượng calo mình tiêu thụ.
Cô dần bị nghiện chế độ ăn kiêng. Một thời gian ngắn sau, cô chỉ ăn một miếng hoa quả cho bữa sáng, một bát nhỏ rau (đã rửa nhiều lần để loại bỏ dầu) cho bữa trưa và không ăn gì vào bữa tối.
Khi bạn bè nói rằng cô đã quá gầy để tiếp tục ăn kiêng, Zhang bí mật giấu đồ ăn vào tay áo, túi quần, balo để giả vờ như mình đã ăn xong. Năm 2 đại học, cô giảm từ 50 kg xuống còn 40 kg và không thể dừng việc ăn kiêng.
"Dù nhận ra mình rất gầy tôi vẫn không dám ăn", Zhang nói.
Tóc của cô bắt đầu rụng, da bong tróc và bị mất kinh nguyệt. Thấy tình trạng báo động, cha mẹ cô ép con phải ăn bánh và uống sữa. Nhưng Zhang vẫn tiếp tục giảm cân.
"Ăn uống chỉ khiến tôi muốn chết đi. Có giọng nói trong tâm trí bảo tôi rằng đồ ăn là ma quỷ".
Năm 2018, chỉ còn nặng chưa đầy 29 kg, Zhang cuối cùng cũng được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Cô được thông báo bệnh nguy kịch, phải uống những chai sữa giàu chất béo có pha đường để tăng cân.
Nếu ở một số quốc gia khác, Zhang có thể đã được điều trị sớm hơn. Nhưng ở Trung Quốc, nhận thức của cộng đồng về chứng rối loạn ăn uống còn thấp, và hệ thống y tế vẫn đang vật lộn để bắt kịp những thay đổi nhanh chóng của xã hội.
Cha mẹ ở nước này thường không hiểu rối loạn ăn uống là gì. Theo các chuyên gia y tế, phụ huynh thường cho rằng con mình là người “bất bình thường” hoặc “không có kỷ luật” và vấn đề có thể được khắc phục bằng cách ép con mình ăn.
Nếu làm vậy không hiệu quả, nhiều bậc cha mẹ tin rằng con có vấn đề thể chất chứ không phải chứng bệnh tâm thần.
Định kiến phụ nữ thành công phải gầy
Vài thập kỷ trước, rối loạn ăn uống là điều cực kỳ hiếm ở Trung Quốc. Theo Chen Jue, giám đốc Eating Disorders Center tại Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải, khi đó mọi người đều làm việc với mức lương thấp và họ chỉ quan tâm tới việc có cơm ăn.
Trong xã hội hiện đại, giới trẻ nước này đối diện nhiều áp lực khác nhau. Nhiều người khao khát lối sống của tầng lớp trung lưu, tuy nhiên cuộc chiến để giành một công việc lương cao rất khốc liệt. Phụ nữ cảm thấy để đạt được điều đó họ cần có mọi thứ, không chỉ điểm số cao mà còn là vóc dáng hoàn hảo.
"Ngày nay, gầy không chỉ gắn liền với sắc đẹp mà còn liên quan đến kỷ luật bản thân, thành công và thậm chí là đẳng cấp xã hội", Chen nói.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông xã hội đang bình thường hóa chế độ ăn kiêng khắc nghiệt và các số liệu "Size 0" (kích thước của người siêu gầy). Nhiều influencer xứ Trung tham gia vào các "thử thách sắc đẹp" kỳ quặc: khoe vòng eo A4, cổ tay dưới 4 cm hay khoe hõm xương quai xanh đựng được quả trứng.
Chen thường xuyên bắt gặp những thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng, họ nói rằng muốn giảm cân vì những người xung quanh liên tục nhắc tới việc ăn kiêng. "Một số sinh viên nữ bỏ bữa trưa và chỉ ăn dưa chuột vào bữa tối", Chen kể.
Theo kinh nghiệm của Chen, những bệnh nhân mắc chứng rối loạn ăn uống có xu hướng mang những đặc điểm giống nhau. Họ thường nhạy cảm, có lòng tự trọng thấp và tự chỉ trích bản thân quá nhiều, ngay cả khi họ đã rất thành công.
He Yi (32 tuổi) nói rằng ám ảnh về sự thành công là yếu tố chính dẫn đến chứng rối loạn ăn uống của cô. He lần đầu mắc chứng cuồng ăn vào năm 17 tuổi và sau đó lặp lại khi vào đại học.
Trong suốt thời thơ ấu, lòng tự trọng của He dựa trên thành tích ở trường, điểm tốt tương đương với thành công. Nhưng ở đại học, cô thấy có những trở ngại khác đối với việc đạt được mục tiêu.
"Quảng cáo, phim ảnh và tiểu thuyết đều nói với tôi rằng phụ nữ thành đạt nên kiểm soát cơ thể của mình. Tôi cảm thấy mình có thể thành công bằng cách gầy đi, vì vậy tôi đã chọn chế độ ăn kiêng khắc nghiệt".
7 năm tiếp theo, He liên tục ăn uống vô độ và thường xuyên móc họng để nôn ra. Đôi khi, chu kỳ đó lặp lại 3 - 4 lần một ngày.
Thời điểm đó, nhận thức của cộng đồng về chứng rối loạn ăn uống ở Trung Quốc còn thấp, He đã không nói với ai về tình trạng của mình trong nhiều năm. Cô tự coi bản thân là một con quái vật.
Cô đọc sách và tìm được cách thoát khỏi chứng bệnh của mình. Giờ đây, He tham gia giúp đỡ những người khác đang gặp vấn đề tương tự.
Bài học về yêu cơ thể của mình
Chứng rối loạn ăn uống đang chỉ ảnh hưởng đến chưa đến 0,1% dân số Trung Quốc, nhưng theo một cuộc khảo sát sức khỏe tâm thần quốc gia, số ca nhập viện đã tăng đáng kể. Năm 2002, Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải chỉ nhận được 8 lượt khám liên quan đến chứng rối loạn ăn uống. Đến năm 2019, con số đã tăng lên hơn 2.700. Cũng như các nước khác, đa số bệnh nhân là nữ.
Rối loạn ăn uống có thể dẫn đến tử vong khi người mắc bị suy đa tạng, suy dinh dưỡng hoặc muốn tự tử. Theo dữ liệu từ Trung tâm Tài nguyên Phòng chống Tự tử, gần 1/4 số người có tiền sử mắc chứng biếng ăn cố gắng tự sát.
Chen tin rằng để giúp trẻ bị rối loạn ăn uống, trước tiên các bác sĩ lâm sàng cần thay đổi thái độ của cha mẹ. Cô cho hay các bậc cha mẹ Trung Quốc vẫn ưu tiên kết quả học tập của con cái hơn là sức khỏe tinh thần.
"Hãy giáo dục và thay đổi suy nghĩ của cha mẹ. Có như vậy, những đứa trẻ mắc chứng rối loạn ăn uống sẽ dần có cảm giác an toàn và giúp họ hồi phục".
Để tổ chức triển lãm lần này, Zhang đã làm việc với gần 30 nghệ sĩ, hầu hết trong số họ từng phải vật lộn với chứng rối loạn ăn uống trong quá khứ. Họ lấp đầy phòng trưng bày bằng những bức tranh, tác phẩm sắp đặt và thơ ca thể hiện nỗi đau tâm lý do hoàn cảnh của họ gây ra.
"Chúng tôi muốn cho công chúng thấy thế giới bên trong của cơ thể lo lắng và rối loạn ăn uống. Họ có thể trải nghiệm toàn bộ hành trình tâm lý của chúng tôi".
Sự kiện này không chỉ nhằm tạo tiếng nói mà còn để chữa lành. Vào ngày khai mạc, Zhang và các cộng sự của cô đã diễu hành qua phòng trưng bày với mạng che mặt trắng và cầm hoa hồng đỏ.
Đứng giữa những tác phẩm nghệ thuật, nhắm mắt lại, những người phụ nữ thực hiện "nghi lễ kết hôn" - cam kết yêu thương và trân trọng bản thân mình trong suốt quãng đời còn lại. Một số "cô dâu" mỉm cười hạnh phúc, trong khi những người khác lặng lẽ khóc.
Nhiều cô gái Trung Quốc cắt dây thần kinh để có bắp chân thon
Nhiều người trẻ xứ Trung tìm đến phương pháp phẫu thuật để có đôi tai nhỏ hay sẵn sàng cắt bỏ dây thần kinh để có bắp chân gầy gò hơn.
Nhiều trại trẻ mồ côi ở Trung Quốc gần như trống rỗng
Năm 2012, Trung Quốc có khoảng 570.000 trẻ mồ côi do bị bỏ rơi hoặc cha mẹ đã qua đời. Hiện tại, số lượng này là 190.000 em, theo Sixth Tone.
Phẫu thuật kéo dài chân có đáng để mạo hiểm
Bất chấp những đau đớn sẽ trải qua, nhiều người Ấn Độ vẫn chọn phẫu thuật kéo dài chân để tự tin hơn, hy vọng có thêm cơ hội trong công việc.