Zing VN
Làm 'cách mạng Internet di động' tại Peru: Viettel thắng lớn

Trong số tất cả các thị trường nước ngoài mà Tập đoàn Viettel từng đầu tư, Peru là quốc gia duy nhất có mật độ điện thoại di động đạt trên 100% khi Viettel “đặt chân” đến. Thêm nữa, đây cũng là thị trường duy nhất đến nay của Viettel có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam. Thu nhập bình quân đầu người của Peru gấp 3 lần Việt Nam.

Chưa hết, Peru là quốc gia mà ngành viễn thông bị thống trị bởi 2 tập đoàn thuộc nửa trên của Top 10 thế giới, điều chưa từng có ở các thị trường mà Viettel đầu tư. Năm 2014, Movistar – hãng viễn thông lớn nhất Peru với 55% thị phần, là thành viên của Tập đoàn viễn thông Telefonia đứng thứ 3 thế giới về thuê bao (250 triệu) và đứng thứ 5 về doanh thu; đang kinh doanh viễn thông tại 22 nước, trong đó có 12 nước ở Mỹ La tinh.

Tập đoàn Viettel được cấp giấy phép kinh doanh viễn thông tại Peru mà không phải trả bất kỳ một khoản phí nào nhờ cam kết sẽ phủ sóng ở những vùng sâu, vùng xa - điều mà các mạng di động lớn tại quốc gia này không thực hiện do không đem lại lợi nhuận.

Claro – thương hiệu viễn thông đứng thứ 2 với 40% thị phần, là thành viên của Tập đoàn viễn thông American Movil do Carlos Slim (người từng giữ vị trí giàu nhất thế giới) làm chủ. Tập đoàn này đứng thứ 5 thế giới về thuê bao (246 triệu tại 18 nước) và đứng thứ 9 về doanh thu trên thế giới.

Ba nhân tố trên là lý do khiến nhiều chuyên gia viễn thông nhận định: Viettel khó có cửa sống ở một thị trường đã phát triển ở trình độ cao, với 2 đối thủ quá lớn. Không giống như các thị trường khác mà Viettel từng đầu tư, Bitel (tên thương hiệu của Viettel tại Peru) khai trương dịch vụ mà chưa có hạ tầng viễn thông lớn nhất tại đây.

Nguyên nhân là điều kiện về xây dựng hạ tầng, cấp phép, thuê đối tác… ở Peru rất khác biệt và khó khăn hơn nhiều so với bất kỳ một thị trường nào mà Viettel từng đầu tư. Cũng vì thế, dù chưa xây dựng được hạ tầng viễn thông lớn nhất như thường có ở các thị trường nước ngoài khác, công ty Việt Nam vẫn quyết định khai trương.

Điều thú vị là tại Peru, dù trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam, mật độ điện thoại di động đã vượt ngưỡng 100% khi Viettel đến, nhưng vùng phủ sóng 3G vẫn chỉ tập trung ở thành phố lớn. Tại các vùng nông thôn, 3G vẫn “trắng sóng” và ở môt số vùng núi cao, rừng núi hiểm trở thậm chí chưa có sóng di động 2G (như khu vực rừng rậm Amazon). “Đó chính là cơ hội của Viettel”, ông Lê Đăng Dũng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nhận xét.

Trong khi 2 mạng di động lớn nhất là Movistar và Claro chỉ phủ sóng 3G ở đô thị lớn thì Bitel đưa 3G về cả các vùng núi cao, rừng rậm Amazon hay sa mạc.

Tại Peru, Bitel trở thành mạng di động đầu tiên phủ sóng 3G toàn quốc khi khai trương và là mạng di động 3G Only duy nhất của Viettel vào thời điểm đó (năm 2014). Nhờ nhân tố đặc biệt (mạng 3G Only) và những chương trình khuyến mại hấp dẫn, tại tỉnh Puno, những hàng người dài xếp hàng tại cửa hàng của Bitel để mua sim di động dù người dân nơi đây đã dùng điện thoại di động từ trước đó rất lâu. “Hiện tượng xếp hàng” ở tỉnh Puno cũng lây lan sang nhiều tỉnh thành khác tại Peru, giúp hãng viễn thông non trẻ Bitel dần có chỗ đứng trên thị trường.

“Họ xếp hàng mua sim Bitel bởi có thể xem TV mà không cần TV, nghe nhạc không cần radio, gặp bạn bè mà không cần đi lại... chỉ với chiếc điện thoại di động được kết nối Internet di động tốc độ cao. Hay nói cách khác Internet di động là tương lai mới của viễn thông Peru và chúng tôi tin rằng khi đáp ứng tốt nhu cầu đang bùng nổ này, Bitel sẽ có cơ hội rất lớn”, ông Lê Đăng Dũng cho biết.

Ngoài mạng 3G Only, Bitel là thương hiệu viễn thông duy nhất có hệ thống bán hàng riêng (cả SIM v à thiết bị đầu cuối) phủ tới tận huyện, xã ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, công ty đến từ Việt Nam cũng là nhà mạng có nhiều dịch vụ gia tăng độc đáo so với các đối thủ.

“Chúng tôi tin rằng data chỉ là hạ tầng của viễn thông. Điều quan trọng với các khách hàng là họ sẽ sử dụng gì trên Internet di động. Chính vì vậy, Bitel tập trung phát triển các ứng dụng và công nghệ thông tin để tạo nên một hệ sinh thái dành riêng cho khách hàng của mình”, một lãnh đạo Bitel chia sẻ. Trong các nhà mạng, Bitel cho phép khách hàng có thể nghe nhạc online mà không bị tính phí data...

Tại Peru, Bitel là mạng di động có vùng phủ 4G rộng nhất.

Đồng thời với việc tạo ra sự thay đổi lớn về Internet di động, Bitel tiếp tục tăng trưởng rất mạnh về thuê bao cũng như kết quả kinh doanh. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng thuê bao của công ty Việt Nam là 41%, gấp hơn 5 lần so với mức bình quân toàn ngành viễn thông Peru (8%). Đặc biệt, doanh thu về dịch vụ 3G của Bitel tăng gấp gần 5 lần so với năm 2015.

Cuối năm 2016, nhà mạng này đã cung cấp dịch vụ 4G và nhanh chóng trở thành thương hiệu có vùng phủ sóng 4G rộng nhất Peru với 16.086 khu dân cư. Theo dự kiến, Bitel sẽ tiếp tục đầu tư thêm 45 triệu USD để mở rộng vùng phủ 4G trong năm 2017. Theo số liệu của OSIPTEL, tính đến cuối tháng 6/2017, Bitel đạt 4,3 triệu thuê bao và chiếm 11,5% thị phần tại Peru.

Tháng 10/2016, sau 2 năm kinh doanh, thương hiệu đến từ Việt Nam đã có lãi. Trong khi đó, Entel - nhà mạng thuộc Top 4 tại Peru, đã đầu tư 10 năm nhưng vẫn lỗ. Cuối tháng 10/2017, Bitel công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, với lợi nhuận lên tới hơn 400 tỷ đồng (gần 20 triệu USD), đưa Peru trở thành thị trường nước ngoài có lợi nhuận lớn nhất trong 10 quốc gia Tập đoàn Viettel đang đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bitel chiếm tới 40% tổng lợi nhuận từ nước ngoài của Tập đoàn Viettel.

Chia sẻ về kết quả của Bitel, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel (phụ trách mảng đầu tư nước ngoài) nói: “Peru là bước đệm của chúng tôi trước khi tìm cơ hội tiến vào thị trường châu Âu bởi Viettel cần có kinh nghiệm kinh doanh ở một thị trường phát triển hơn Việt Nam. Những thành công bước đầu tại Peru sẽ là kinh nghiệm tốt để chúng tôi lên kế hoạch cho các thị trường phát triển hơn trên thế giới”.