Znews
Câu chuyện khởi nghiệp từ CEO Viettel

Ông Nguyễn Mạnh Hùng khuyên startup Việt hãy tự tin bắt đầu từ số không vì “khi chẳng có gì để mất tức là có mọi thứ để thắng”.

Tay trắng khởi nghiệp

Trong một cuộc gặp mặt của Hiệp hội Internet Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Viettel - đã tham gia trao đổi xoay quanh vấn đề khởi nghiệp. Hành trình làm và thay đổi ngành viễn thông của Viettel, một công ty nhà nước 100%, là chủ đề chính mà vị CEO này đem đến.

Khởi nghiệp viễn thông, ngành vốn cần hàng nghìn tỷ đồng đầu tư ban đầu. Tuy nhiên trong tay Viettel gần không có gì. Nhớ lại ngày ấy, công ty có gần 100 người, tổng tài sản khoảng 2 tỷ đồng được quy đổi qua mấy cái ôtô cũ và một căn nhà 2 tầng.

Nhưng chính hoàn cảnh ấy đã là xúc tác cho thành công ngày hôm nay. Ông Hùng khẳng định: “Tôi cho rằng, điều kiện quan trọng nhất của khởi nghiệp là trong tay chẳng có gì cả. Chúng ta phải bán đi cả cái xe máy của mình, bán đi đến cả chiếc áo vest cuối cùng thì mới là khởi nghiệp. Vì chỉ khi ấy mình mới xả thân”.

Người đứng đầu Viettel cho biết, những công ty thành công đều xuất phát từ gara của nhà mình, như Bill Gates, Steve Jobs.

Viettel thời kỳ đầu

Hồi tưởng lại năm 2004, ông Hùng đã sang Malaysia để xin tư vấn từ một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông. Đó là đoạn hội thoại để lại nhiều ấn tượng trong ông.

  • Khó khăn lớn nhất của ông là gì?
  • Ông Hùng đáp: Chúng tôi chẳng có gì.
  • Đó là sức mạnh lớn nhất của ông đấy. Khi chẳng có gì để mất, ông có mọi thứ để thắng.

“Sau này, tôi nghiệm ra thì thấy rất đúng. ‘Không có gì’ là một sức mạnh vô cùng lớn của người khởi nghiệp”.

sức mạnh của số 0

Trong buổi giao lưu về khởi nghiệp, CEO Viettel nhấn mạnh: “Tri thức mà chúng ta đã dùng, đến một lúc nào đó sẽ trở thành chướng ngại để chúng ta đi tiếp”.

Để minh họa, ông Nguyễn Mạnh Hùng đem đến hình ảnh người đọc sách. Thấy 10 cuốn hay thì đọc, xong liền cầm đem theo. Khi gặp tiếp 10 quyển hay khác cũng lại gánh lên vai và đi tiếp. Đến khi có 100 cuốn thì người đó sẽ không đi được nữa vì quá nặng. Nếu không bỏ những cuốn sách đó đi, chỉ giữ lại tinh thần để tìm những cuốn mới thì người kia sẽ không thể đi tiếp.

“Ở Viettel, chúng tôi luôn tìm cách để mình luôn luôn là số không. Từ đó làm mới mình để khởi tạo những điều khác biệt”.

Năm 2006, khi chưa phải là doanh nghiệp số 1 Việt Nam về viễn thông, Viettel bắt đầu một cuộc chơi mới bằng việc đầu tư ra nước ngoài, cụ thể là Campuchia. “Lúc đó chúng tôi gần như bắt đầu từ số không vì rào cảo ngôn ngữ, văn hoá, quy trình, quy định…”.

Năm 2013, doanh nghiệp đã bắt đầu khẳng định được chiến lược và con đường đi ở thị trường nước ngoài. Lúc này Viettel lại khởi tạo một cuộc chơi mới là CNTT - một lĩnh vực mà công ty chưa từng có kinh nghiệm.

“Viettel luôn có xuất phát điểm là con số không khi khởi tạo những việc mới, tìm ra những không gian mới. Trước mỗi vạch xuất phát chúng tôi luôn nghĩ tới tinh thần khởi nghiệp của mình trước đây. Đó là lăn xả, không ngại khó, không ngại khổ, quyết tâm làm đến cùng”.


Hãy bắt đầu từ số 0 và luôn nhớ rằng, đó là sức mạnh lớn nhất của mình

Lịch sử viễn thông thay đổi hay cơ hội cho startup

Bên cạnh tinh thần xuất phát từ con số không, CEO Viettel chia sẻ rằng những doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ cần nắm bắt cơ hội mới. Theo ông Hùng, một trong những cơ hội “trăm năm mới có” chính là thời điểm này, khi ngành viễn thông đang dần mất đi miếng bánh thoại và tin nhắn do sự phát triển ồ ạt của các ứng dụng Facebook, Viber…

Viettel đã nhìn thấy cơ hội này từ 3 năm trước, nhờ đó triển khai nhanh chóng việc đưa ứng dụng kết hợp giữa viễn thông và CNTT. Dù vậy ông Hùng vẫn khẳng định đây là cơ hội của các công ty công nghệ. Nguyên nhân là các công ty viễn thông với nhân sự cồng kềnh và quy trình cứng nhắc sẽ không cạnh tranh nổi. Điều thú vị hơn là chính sự buộc phải thay đổi ấy của ngành viễn thông khiến “xung quanh chúng ta có rất nhiều việc để làm”.

Lời khuyên của CEO Viettel dành cho các startup là: “Hãy bắt đầu từ nỗi đau của chính mình”. Hãy viết một phần mềm thay đổi thời gian đèn xanh, đèn đỏ phù hợp với lưu lượng người đi qua từng ngã tư để không gây ùn ứ, giải quyết vấn đề tắc đường của Hà Nội… Đó là một trong những ví dụ ông Hùng đưa ra về ý tưởng kinh doanh xuất phát từ nỗi đau.

Bên cạnh thị trường nội địa, nước ngoài cũng là môi trường tiềm năng cho các startup. Ông Hùng khẳng định: “Nếu các bạn có một ý tưởng thành công ở Việt Nam, Viettel sẽ hỗ trợ mang sang quốc tế”.


Nếu chúng ta không chinh phục thế giới thì thế giới sẽ chinh phục chúng ta