Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuần tăng phi mã của giá vàng

Giá mỗi ounce vàng đã tăng khoảng 100 USD trong vòng 7 ngày qua. Kim loại quý phục hồi mạnh mẽ bất chấp những dữ liệu lạm phát nóng của Mỹ.

Giá vàng hưởng lợi khi USD chịu sức ép. Ảnh: Bloomberg.

Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 17/3 (giờ Việt Nam), giá của mỗi ounce vàng đã tăng khoảng 100 USD trong vòng 7 ngày qua. Tính đến 16h (giờ Việt Nam), giá kim loại quý dao động quanh ngưỡng 1.930 USD/ounce, hướng tới tuần tăng thứ 3 liên tiếp.

So với mức thấp hồi cuối tháng 2 (1.807 USD/ounce), giá vàng đã tăng hơn 120 USD/ounce.

Ở chiều ngược lại, USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác - đã giảm còn 104 điểm, đánh dấu phiên giảm thứ 2 liên tiếp sau gói giải cứu đối với First Republic Bank.

USD chịu sức ép

Bank of America, Goldman Sachs, JP Morgan và các ngân hàng khác dự kiến gửi 30 tỷ USD vào First Republic - ngân hàng vừa chứng kiến làn sóng rút tiền sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB). Khách hàng lo ngại rằng First Republic có thể là ngân hàng tiếp theo bị đóng cửa.

Gói giải cứu đối với First Republic Bank đã đè nặng lên USD. Bởi động thái này thúc đẩy khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư, khiến dòng tiền rời khỏi USD - tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động.

Giá vàng cũng trồi sụt mạnh, có lúc rơi xuống dưới 1.916 USD/ounce trong vòng 24 giờ qua, nhưng vẫn bật tăng và xuyên thủng ngưỡng 1.932 USD/ounce.

USD anh 1

Giá vàng tăng mạnh trong vòng 7 ngày qua. Ảnh: Trading Economics.

"Giá vàng hưởng lợi nhờ dòng tiền đổ vào tài sản trú ẩn an toàn và lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ lao dốc sau vụ phá sản của SVB", ông Craig Erlam, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại London (Anh), trả lời câu hỏi của Zing.

Theo ông, diễn biến tiếp theo của thị trường vàng sẽ phụ thuộc vào lợi suất trái phiếu và quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp tháng 3.

"Thời gian sẽ trả lời câu hỏi, nhưng nếu những rắc rối trong ngành ngân hàng của Mỹ lan rộng, giá vàng có thể tiến gần tới mức cao nhất của tháng 2, khoảng 1.960 USD/ounce", vị chuyên gia dự báo.

Bước nhảy lãi suất tiếp theo

Thảm họa SVB đã đảo ngược đà giảm của giá vàng. Rắc rối của SVB được cho là đến từ các đợt tăng lãi suất ồ ạt của Fed.

Khi Fed mạnh tay tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, các khách hàng của SVB buộc phải rút tiền gửi để duy trì hoạt động.

Để đối phó với làn sóng rút tiền, SVB buộc phải bán tài sản, chủ yếu là các trái phiếu đã mất phần lớn giá trị.

Thảm họa của SVB và tác động lan tỏa đến ngành công nghiệp của Mỹ làm dấy lên câu hỏi về động thái tiếp theo của Fed trong cuộc họp chính sách tháng 3.

Các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ khó có thể tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 22/3 này do những căng thẳng đang đè nặng lên lĩnh vực ngân hàng.

Trước đó, ngân hàng này dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 3.

USD anh 2

Giới quan sát cho rằng sự sụp đổ của SVB sẽ tác động tới quyết định chính sách tiếp theo của Fed. Ảnh: Reuters.

Nhưng thị trường vàng có thể bị đè nặng nếu Fed hành động "diều hâu" hơn dự báo của giới đầu tư. Các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy lạm phát tại Mỹ vẫn còn rất nóng. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,2% trong tháng 2 và 6% so với một năm trước đó, giống với dự báo trước đó của giới quan sát.

Trong cuộc họp tháng 3, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, bất chấp những bất ổn mới đây trong lĩnh vực ngân hàng.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho rằng tình trạng hỗn loạn trên thị trường trong thời gian qua không giống với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

"Chúng ta đã cải cách khuôn khổ pháp lý, chúng ta đã nhất trí về Basell III, chúng ta đã tăng tỷ lệ vốn. Lĩnh vực ngân hàng đang ở một vị thế vững chắc hơn rất nhiều", bà nhấn mạnh trong cuộc họp báo.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

ECB tăng lãi suất dù ngành ngân hàng đang hỗn loạn

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm bất chấp những bất ổn mới đây trong lĩnh vực ngân hàng.

Sau vụ SVB phá sản, Fed khó tăng lãi suất mạnh tay

Vụ phá sản của SVB và những rủi ro lan tỏa đẩy Fed vào thế khó. SVB gặp rắc rối vì các đợt tăng lãi suất dồn dập trong vòng một năm qua.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm