Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tân cử nhân 'chạy đua' kiếm tiền khi Tết cận kề

Tết Nguyên đán cận kề cũng là lúc nhiều tân cử nhân đau đầu vì vấn đề tài chính. Thắt chặt chi tiêu, tăng làm thêm là cách nhiều người áp dụng để có cái Tết khác thời sinh viên.

Ra trường đúng thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều tân cử nhân áp lực tài chính khi Tết gần kề. Ảnh: Pexels.

1h, căn phòng trọ hơn 20 m2 tại Cầu Giấy vẫn sáng đèn, Hồng Ngọc (22 tuổi, cử nhân ngành Marketing, Đại học Thương mại) miệt mài dựng video để kịp trả sản phẩm cho khách vào sáng hôm sau.

Song song với đi làm toàn thời gian, Ngọc đã duy trì công việc làm thêm được 3 tháng nay. Cô hy vọng thu nhập khá hơn khi Tết Quý Mão 2023 đang đến gần.

“Cảm giác đón Tết khi đã ra trường rất khác so với thời sinh viên. Năm nay, mình cũng muốn sắm sửa cho gia đình nhiều hơn, đồng thời phải chuẩn bị thêm các khoản như hội họp cuối năm, lì xì mừng tuổi. Do vậy, mình phải ‘cày cuốc’ thêm để có cái Tết ấm no”, Ngọc chia sẻ với Zing.

Không chỉ Ngọc, vấn đề tài chính cũng là nỗi niềm chung của nhiều người trẻ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, mức lương và thưởng Tết.

Lo lắng thường trực

Ngọc chính thức tốt nghiệp vào tháng 6. Tuy nhiên, cô đã đi làm chính thức từ trước đó một năm. So với năm ngoái, năm nay, tài chính của Ngọc bị ảnh hưởng khá nhiều do suy thoái kinh tế, nhất là khi cô quyết định nhảy việc ngay dịp cuối năm, đồng nghĩa không có thêm thưởng Tết.

“Năm nay, mình vẫn lựa chọn việc được học hỏi và trải nghiệm. Vì vậy, có cơ hội, mình chuyển hướng sang một lĩnh vực mới, dù biết kinh tế sẽ khó khăn hơn chút", Ngọc nói.

Trước đó, Ngọc lên kế hoạch năm nay sẽ mua quà Tết tặng bố mẹ, ông bà. Cô cũng tính sắm sửa thêm cho gia đình và bản thân, chuẩn bị thêm lì xì mừng tuổi.

Tuy nhiên, trong năm, Ngọc chi nhiều tiền cho việc học thêm bên ngoài để “nâng cấp" bản thân, mua sắm thêm đồ công nghệ để phục vụ công việc, nhiều khi cũng “vung tay quá trán". Đồng thời, Ngọc không lường trước được việc bản thân sẽ nhảy việc, cuối năm không có thưởng. Vì vậy, khoản tích lũy cuối năm không còn nhiều.

sinh vien lo tet anh 1

Ngọc chấp nhận có ít thời gian nghỉ ngơi để kiếm thêm thu nhập từ công việc bên ngoài. Ảnh: NVCC.

Việt Hùng (22 tuổi, cử nhân ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng gặp tình trạng tương tự Ngọc, thậm chí có phần áp lực hơn. Ra trường hồi tháng 7, đến nay, Hùng đã nhảy việc tới 2 lần do môi trường không phù hợp. Đồng nghĩa, thu nhập của Hùng không ổn định, khoản thưởng cuối năm chắc chắn không có.

Trải qua một năm không mấy thuận lợi cả về sự nghiệp và tài chính, Hùng cảm thấy căng thẳng khi Tết gần kề.

“Mình không còn nhận trợ cấp từ bố mẹ từ khi ra trường, mọi thứ đều tự xoay xở. May mắn, mình cũng vượt qua, nhưng cũng không thể dư dả hơn. Muốn biếu bố mẹ cũng khó, mình cũng còn nhiều khoản phải lo sau Tết như trả nợ phụ bố mẹ nữa”, Hùng nói.

Bố mẹ cũng hiểu và không đặt áp lực lên Hùng. Tuy nhiên, điều cậu ngại ngần nhất là phải đối diện với những câu hỏi tế nhị như “Lương tháng bao nhiêu?”, “Thưởng Tết nhiều không?”, “Làm công ty nào?”, “Khi nào kết hôn?”, cho đến việc so sánh với các bạn cùng trang lứa.

Hạn chế chi tiêu

Hai tháng nay, Việt Hùng cũng hạn chế mua sắm, từ chối ăn hàng, giảm bớt các cuộc vui với bạn bè. Để mua được vé rẻ, Hùng cũng chủ động đặt vé từ sớm.

“Bớt được khoản nào hay khoản đó. Chắc năm nay, mình chỉ mua chút quà tặng bố mẹ, sắm sửa cho bản thân cũng phải cắt giảm, khoản lì xì có khi cũng phải lùi tới Tết sang năm dù rất ngại", Hùng nói.

Tương tự, Hồng Ngọc cũng hạn chế chi tiêu, cắt giảm những khoản không cần thiết. Cô cho hay năm ngoái, trước tết một tháng, cô đã chi hơn nửa tháng lương cho việc sắm sửa quần áo, túi xách, giày dép, mua quà cho bố mẹ.

“Năm ngoái, mình mua đồ vô tội vạ, thích gì là mua đó. Nhưng năm nay, mình chưa mua thêm gì cho bản thân vì trong năm cũng mua nhiều. Mình chủ động cắt giảm các khoản đó, dành tiền vào các khoản quan trọng hơn như mua quà tặng người thân, lì xì cho các em, trả góp tiền mua máy tính, cũng kha khá tiền”, Ngọc nói.

sinh vien lo tet anh 2

Hồng Ngọc chủ động cắt giảm những khoản không cần thiết, tránh mua sắm vô tội vạ trước Tết. Ảnh: Thạch Thảo.

Tìm cách tăng thu nhập

Càng gần thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới, Ngọc càng tăng tốc để hoàn thành kế hoạch đặt ra. Cô cho hay thời gian này, sau khi tăng ca ở công ty đến 21h, về nhà, Ngọc lại lao vào làm các dự án bên ngoài đến đêm để có thêm thu nhập. Thiếu ngủ triền miên, có những ngày quá mệt, sáng hôm sau, Ngọc dậy sớm làm việc rồi ra khỏi nhà lúc 7h để kịp đến công ty.

“May mắn, cuối năm, công việc làm thêm cũng nhiều, mình có thêm thu nhập, nhưng cũng chỉ đủ mua quà tặng bố mẹ, dự định biếu bố mẹ tiền sắm Tết chắc phải lùi lại sang năm”, Ngọc nói.

Khác với Ngọc và Hùng, Quỳnh Anh (22 tuổi, cử nhân chuyên ngành Tiếng Anh thương mại, ĐH Thương mại) lại có thu nhập ổn trong năm 2022. Ra trường, thay vì làm văn phòng, Quỳnh Anh chọn làm công việc freelance. Ngoài ra, cô cũng tự xây dựng các dự án cá nhân và có thêm thu nhập tự động từ đó. Thu nhập tốt, lại có kế hoạch chi tiêu cụ thể, Quỳnh Anh có sẵn tích lũy dùng cho những dịp quan trọng hoặc tình huống xấu.

Làm freelance, Quỳnh Anh chắc chắn không có lương thưởng cuối năm. Tuy nhiên, Tết gần kề, cô có động lực làm việc nhiều hơn, nhận về nhiều dự án. Vì vậy, mấy tháng nay, thu nhập của Quỳnh Anh tăng dần đều, có tháng tăng gấp đôi. Thưởng Tết không còn là vấn đề lớn đối với cô.

Tương tự, thời điểm này, Khánh Linh (22 tuổi, tốt nghiệp Cao đẳng Du lịch Hà Nội) đang tất bật với các đơn hàng online để tăng thêm thu nhập dịp Tết, song song với công việc hướng dẫn viên du lịch.

sinh vien lo tet anh 3

Công việc kinh doanh giúp Linh tăng thêm thu nhập, nhất là trong dịp Tết. Ảnh: NVCC.

Mỗi tháng, công việc kinh doanh này giúp thu nhập của Linh tăng thêm 3-4 triệu đồng. Những ngày giáp Tết, con số này có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3.

"Mình đi làm tại công ty từ 4h đến 18h. Thời gian còn lại, mình soạn và đóng đơn đến 23h, sau đó mới nghỉ ngơi. Thời điểm này, đơn về nhiều, mình tranh thủ cả giờ nghỉ trưa để làm. Lượng công việc nhiều, bù lại, mình có tiền sắm sửa Tết, mua quà cho gia đình và chi trả các khoản cá nhân", Linh kể.

Linh cho rằng việc nỗ lực kiếm tiền sẽ giúp tâm lý thoải mái, không áp lực về việc chi trả mỗi ngày, nhất là những dịp đặc biệt như Tết.

Gác lại những điều chưa như ý

Khác với những năm trước, năm nay, Quỳnh Anh đã có thể biếu bố mẹ một khoản sắm sửa Tết, mừng tuổi ông bà và lì xì cho các em nhỏ. Cô coi đây là dấu mốc, đánh dấu sự trưởng thành của bản thân.

“Mình đang mong chờ đến ngày về Tết để nhìn thấy gương mặt hạnh phúc của bố mẹ khi thấy con cái trưởng thành. Năm nay, mình cũng đã thành ‘người lớn' trong mắt bọn trẻ ở nhà rồi. Chắc mình chỉ lo khi có người hỏi khi nào lấy chồng thôi", Quỳnh Anh nói.

Với Hồng Ngọc, dù công việc có nhiều bấp bênh, tài chính chưa ổn định, cô vẫn luôn cảm thấy tự hào bởi đã cố gắng trong suốt một năm.

“Mình đã làm được nhiều thứ trong một năm qua. Ra trường đúng hạn, tốt nghiệp bằng giỏi, tự lập tài chính, trưởng thành hơn, mua được vài món quà tặng người thân… đó đều là những điều mình tự hào”, Ngọc nói.

Năm nay, Ngọc sẽ về Tết muộn hơn nhiều so với mọi năm. Dù như thế nào, cô vẫn mong đến Tết để được sum vầy cùng gia đình.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

'Quên' ra trường vì mải đi làm

Dù đã học xong gần 2 năm, Quỳnh Mai vẫn chưa chịu lấy bằng vì thấy chưa cần thiết. Trong khi đó, sau khi chậm hơn một năm, Hoàng Long quyết định lấy bằng sau để phòng thân.

Ra truong som lam gi? hinh anh

Ra trường sớm làm gì?

0

Nhiều sinh viên ra trường sớm nhằm tìm một vài tháng lợi thế so với bạn đồng trang lứa nhưng một số người đối mặt với thị trường việc làm nhiều khó khăn.

Ngọc Bích - Lan Anh

Bạn có thể quan tâm