Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Số phận của nhân viên Meta bị sa thải

Meta được cho là khá hào phóng với chế độ bồi thường cho nhân viên bị sa thải, trong khi người ở lại phải chia sẻ bàn làm việc để giúp công ty tiết kiệm chi phí.

Trong bức thư gửi nhân viên hôm 8/11, CEO Meta Mark Zuckerberg cho biết công ty mẹ Facebook đã bắt đầu sa thải 13% nhân viên, tương đương hơn 11.000 người.

Người đứng đầu Meta cũng cho biết kết thúc năm 2023, công ty sẽ giữ nguyên quy mô hoặc thậm chí tiếp tục thu hẹp quy mô so với hiện tại. "Rất nhiều nhân viên của Meta thực tế không nên ở đây", Zuckerberg từng nói trong một cuộc họp của công ty vào tháng 6.

Hào phóng chi trả hỗ trợ cho nhân viên bị sa thải

Chi tiết về gói hỗ trợ thôi việc đã sớm được Meta soạn thảo và gửi tới các nhân viên làm việc tại Mỹ nằm trong đợt sa thải. Theo Insider, nhân viên bị sa thải sẽ nhận được khoản bồi thường bằng 16 tuần lương cơ bản. Ngoài ra, khoản bồi thường sẽ cộng thêm hai tuần lương với mỗi năm làm việc.

Meta anh 1

Những nhân viên Meta bị sa thải sẽ nhận được 16 tuần lương cộng thêm 2 tuần trên mỗi năm đã làm việc. Ảnh: Getty Images.

Điều này đồng nghĩa những người có 5 năm phục vụ tại Meta sẽ nhận được khoảng 6 tháng lương và một năm làm việc sẽ nhận được hơn 4 tháng lương.

Zuckerberg cũng khẳng định không có giới hạn về khoản trả thêm này. Khoản chi trả thôi việc của Meta về cơ bản là hào phóng hơn khá nhiều so với các công ty cũng mới thanh lọc nhân sự trong thời gian gần đây như Twitter và Lyft.

Cụ thể, Twitter của chủ mới Elon Musk đề nghị nhân viên 3 tháng trợ cấp thôi việc, trong khi nhân viên của Lyft được trả lương 10 tuần nếu bị sa thải.

Ngoài trợ cấp thôi việc, Meta cho biết công ty cũng có nguồn lực dành riêng cho nhân viên có visa làm việc tạm thời loại H-1B. Đây là loại visa không nhập cư dành cho người nước ngoài sống và lao động tại Mỹ cho phép các công ty công nghệ sử dụng lao động nước ngoài trong các ngành nghề đặc biệt đòi hỏi chuyên môn về lý thuyết hoặc kỹ thuật.

Theo NDTV, mỗi năm các công ty công nghệ dùng visa H-1B để thuê hàng chục nghìn nhân viên từ các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc.

"Tôi biết điều này đặc biệt khó khăn nếu bạn đang ở đây với visa tạm thời. Đã có thông báo trước khi chấm dứt hợp đồng và gia hạn thị thực, có nghĩa là mọi người sẽ có thời gian để lập kế hoạch, xử lý tình trạng nhập cư. Chúng tôi có các chuyên gia nhập cư sẵn sàng hướng dẫn nếu bạn và gia đình cần", Zuckerberg nói.

Meta anh 2

Ngoài hỗ trợ lương, nhân viên Meta bị ảnh hưởng cũng được hỗ trợ gia hạn visa làm việc tạm thời. Ảnh: Getty Images.

Phía Meta cũng cho biết sẽ tiếp tục chi trả chương trình bảo hiểm y tế trong 6 tháng và trang trải chi phí cho nhân viên bị sa thải cùng gia đình. Ngoài ra, công ty mẹ Facebook cũng sẽ hỗ trợ lao động tìm việc mới trong 3 tháng, bao gồm "quyền ưu tiên với các nhu cầu tuyển dụng chưa được công bố".

11.000 nhân viên bị ảnh hưởng vẫn sẽ nhận được cổ phiếu hạn chế có hiệu lực vào ngày 15/11, đồng nghĩa họ vẫn có thể kiếm tiền bằng số cổ phiếu đó mặc dù đã bị sa thải.

Meta không cung cấp chi tiết cụ thể gói hỗ trợ cho nhân viên ngoài nước Mỹ, nhưng khẳng định chế độ hỗ trợ là tương tự.

Nhân viên ở lại phải chia sẻ bàn làm việc

Cũng trong bức thư gửi tới các nhân viên, Mark Zuckerberg cho biết một số nhân viên Meta sẽ phải chia sẻ bàn làm việc như một biện pháp cắt giảm chi phí trong lúc công ty giảm diện tích thuê văn phòng.

Người sáng lập Facebook cũng nói thêm việc này sẽ dẫn đến một "sự thay đổi văn hóa có ý nghĩa" trong cách Meta hoạt động.

Meta anh 3

Nhân viên Meta sẽ phải chia sẻ không gian làm việc để giúp công ty cắt giảm chi phí hoạt động. Ảnh: HardwareZone.

"Nhằm thu hẹp diện tích bất động sản, chúng ta sẽ chuyển sang hình thức chia sẻ bàn làm việc với những người dành phần lớn thời gian hoạt động bên ngoài văn phòng. Công ty sẽ triển khai nhiều thay đổi cắt giảm chi phí như thế này trong những tháng tới", Zuckerberg cho biết trong bản ghi nhớ gửi nhân viên.

CEO Meta cho biết mặc dù công ty đã cố gắng cắt giảm chi phí trong toàn bộ hoạt động kinh doanh bằng cách thu hẹp diện tích văn phòng, điều đó không đủ để mang lại chi phí phù hợp với tốc độ tăng trưởng doanh thu hiện tại. Vì vậy, công ty đã phải đi đến quyết định sa thải 11.000 nhân viên.

Ngoài thanh lọc nhân sự, Zuckerberg cũng nói thêm Meta đang cố gắng trở thành một công ty tinh gọn, hiệu quả thông qua việc cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết và đóng băng tuyển dụng đến hết quý I/2023.

Trước đó vào tháng 10, Zuckerberg cho biết trong một cuộc họp về kết quả quý III/2022 của Meta rằng công ty có kế hoạch thu hẹp các văn phòng làm việc trong bối cảnh nhiều nhân viên đã chấp nhận làm việc từ xa.

Mặc dù vậy, Meta kỳ vọng phần lớn nhân viên của mình dành ít nhất một nửa thời gian ở văn phòng. Hiện các giám đốc cấp cao như CEO Zuckerberg và Adam Mosseri, người đứng đầu Instagram đều chấp nhận làm việc từ xa.

Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ

Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.

Twitter đứng trước nguy cơ đổ vỡ

Một kỹ sư đang làm việc tại Twitter cho biết nền tảng này không còn đủ nhân sự để vận hành và duy trì sản phẩm.

Anh Tuấn

Bạn có thể quan tâm