Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những thách thức khi Mỹ muốn lập hạm đội ở Ấn Độ Dương

Việc Mỹ muốn lập hạm đội mới vấp phải nhiều khó khăn, như thiếu hụt số tàu chiến, chưa tìm được nơi thích hợp để đặt trụ sở, và hợp tác với Ấn Độ chưa đi vào chiều sâu.

Ý đồ của Trung Quốc đối với eo biển Đài Loan là chủ đề chính trong phiên điều trần của Đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tại Hạ viện Mỹ hồi tháng trước.

Tuy nhiên, thông tin Hải quân Mỹ muốn tái lập Hạm đội 1 cũng được các nhà lập pháp quan tâm, Nikkei Asia cho biết.

Khi Hạ nghị sĩ Elaine Luria, bang Virginia đặt câu hỏi về ý định tái lập Hạm đội 1, Đô đốc Davidson nói: “Hải quân đã yêu cầu Đô đốc John Aquilino, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, xem xét một số chức năng cho Hạm đội 1. Ông ấy vẫn đang nghiên cứu tính khả thi, cũng như những tác động đối với Hạm đội 7”.

Đây là lần đầu tiên vấn đề này được thảo luận ở quốc hội dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Ý tưởng tái lập Hạm đội 1 được cựu Bộ trưởng Hải quân Kenneth Braithwaite trong chính quyền Trump đề xuất vào năm ngoái, với ý định đưa một hạm đội có thể nhanh chóng tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương.

Tập trung đối phó Trung Quốc

Hải quân Trung Quốc chính thức vượt qua Mỹ để trở thành lực lượng chiến đấu trên biển có số lượng tàu nhiều nhất thế giới. Cựu Bộ trưởng Braithwaite tin rằng đây là thời điểm thích hợp để hồi sinh Hạm đội 1 danh tiếng.

Nhiều tướng lĩnh hàng đầu của quân đội và Hải quân Mỹ được cho là ủng hộ ý tưởng này.

Hai quan My xoay truc sang chau A anh 1

Tàu chiến Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tuần trước, trong cuộc trò chuyện ở Heritage Foundation - một trung tâm nghiên cứu chính sách bảo thủ ở Washington, ông Braithwaite nhắc lại sự cần thiết phải thành lập hạm đội mới. Ông cho rằng chỉ một Hạm đội 7 thì không đủ giải quyết các thách thức ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn.

Ông nhấn mạnh rằng Mỹ đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh quyền lực lớn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nên khu vực này cần được chú trọng nhiều hơn.

Hạm đội 7, trụ sở tại Nhật Bản, có nhiệm vụ giám sát vùng biển lớn nhất thế giới. Khu vực làm nhiệm vụ của Hạm đội 7 bao trùm từ đường đổi ngày quốc tế ở Thái Bình Dương, đến biên giới Ấn Độ - Pakistan ở biển Arab, và từ Nhật Bản đến Nam Cực.

Trong nhiều năm, Lầu Năm Góc cảnh báo số lượng tàu chiến của Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực đặc biệt quan trọng đối với an ninh và lợi ích của Mỹ.

Nhiều khả năng, Hạm đội 1 sẽ được khôi phục bằng việc trích nguồn lực một phần từ Hạm đội 7, Hạm đội 5 và Hạm đội 3 để tăng cường sự hiện diện của Hải quân Mỹ trong khu vực.

Khó khăn khi tìm trụ sở

Các chuyên gia thuộc nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia bày tỏ sự hoài nghi về vai trò của Hạm đội 1 nếu không có thêm tàu chiến mới, cũng như không rõ trụ sở của hạm đội sẽ đóng ở đâu.

“Hạm đội 1 nhiều khả năng được quy hoạch lại bằng cách tái phân bổ tàu từ hạm đội khác. Đây không phải là điều bất thường”, chuẩn đô đốc nghỉ hưu Sudarshan Shrikhande, người từng đứng đầu Cục Tình báo Hải quân Ấn Độ nói.

Ông Shrikhande nhận định nếu Hạm đội 1 được thành lập mà không có sự bổ sung những tàu chiến mới, có thể dẫn đến những tác động tiêu cực. Vì một hạm đội mới được thành lập nhưng không làm tăng sức mạnh tổng thể của Hải quân Mỹ.

Hai quan My xoay truc sang chau A anh 2

Thủy thủ tàu sân bay Nimitz chào tạm biệt đối tác Ấn Độ sau khi kết thúc tập trận Malabar 2020. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Điều này có thể tổn hại lợi ích của Mỹ và đồng minh, đặc biệt là nơi sẽ đặt trụ sở hạm đội vì tính chất nhạy cảm của nó.

Chuẩn đô đốc James Goldrick, cựu sĩ quan Hải quân Hoàng gia Australia, cho rằng Hạm đội 1 có thể là một hệ thống chỉ huy và không nhất thiết phải có nhiều tàu hơn trong khu vực.

Hải quân Mỹ đang xem xét khả năng hợp tác với lực lượng tuần duyên để tăng cường sức mạnh.

Cần tăng hợp tác với Ấn Độ

Bên cạnh vấn đề tăng số lượng tàu, cựu Bộ trưởng Braithwaite nhấn mạnh vấn đề hợp tác với Ấn Độ để tăng cường sức mạnh.

“Chúng tôi ngày càng gắn bó hơn với Ấn Độ, tàu của họ là những chiến hạm có năng lực đáng kinh ngạc, cùng với thủy thủ đoàn chuyên nghiệp”, ông Braithwaite nói.

Vị cựu bộ trưởng cho rằng Lầu Năm Góc nên cấu trúc hạm đội mới phù hợp với chiến lược của New Delhi để phân chia Ấn Độ Dương.

Tuy vậy, New Delhi vẫn hoài nghi về sự hợp tác.

Đầu tháng 4, Hạm đội 7 đã làm phật lòng Ấn Độ, khi điều động tàu chiến tuần hành tự do hàng hải gần quần đảo Lakshadweep, bên trong vùng đặc quyền kinh tế Ấn Độ, mà không thông báo cho New Delhi.

Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn khi phát ngôn viên Hạm đội 7 nói rằng yêu cầu thông báo trước của Ấn Độ “không phù hợp với thông lệ quốc tế”. Điều này có thể gây khó khăn cho kế hoạch của Mỹ về thành lập hạm đội phụ trách Ấn Độ Dương.

Hạm đội 7 của Mỹ kết thúc cuộc tập trận Malabar với đồng minh

Cuộc tập trận hải quân Malabar ở biển Arab giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ khẳng định mối quan hệ đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hạm đội 7: Diễn tập hàng hải ASEAN - Mỹ kết thúc thành công

Hạm đội 7 của hải quân Mỹ cho biết diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN ngày 6/9 đã kết thúc thành công với sự tham gia của đại diện lực lượng hải quân các nước.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm