“Cho đến khi một khung chính sách kinh tế vĩ mô được đưa ra, Ngân hàng Thế giới không có ý định cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho Sri Lanka”, cơ quan trên ra tuyên bố. “Điều này đỏi hỏi các cải cách sâu rộng về cấu trúc, hướng đến ổn định kinh tế và giải quyết tận gốc các nguyên nhân về cấu trúc gây nên khủng hoảng”.
Ngân hàng Thế giới cũng cho biết họ quan ngại về tác động của cuộc khủng hoảng với người dân Sri Lanka và đã cho quốc gia Nam Á này vay 160 triệu USD để giúp nước này mua thuốc men, khí đốt để nấu ăn và bữa ăn cho học sinh.
![]() |
Người dân chờ mua gas tại thành phố Colombo, Sri Lanka hôm 23/7. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh Ngân hàng Thế giới, Sri Lanka cũng đang đàm phán về gói cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Dù vậy, các quan chức cho biết quy trình có thể kéo dài hàng tháng.
Sri Lanka đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Do thiếu ngoại tệ, nước này gặp khó khăn khi mua sắm ngay cả những mặt hàng cơ bản nhất, gây nên tình trạng thiếu hụt hàng hóa trên khắp đất nước.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc ước tính 5 trên 6 hộ gia đình tại Sri Lanka phải mua thực phẩm giá trị thấp, ăn ít hơn, thậm chí là bỏ bữa.
Các cuộc biểu tình của người dân đã buộc cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải từ chức. Người kế nhiệm ông, Tổng thống Ranil Wickremesinghe, đã ban bố tình trạng khẩn cấp và tuyên bố cứng rắn với những người “gây rối”. Một số lãnh đạo biểu tình cũng đã bị bắt giữ sau khi ông Wickremesinghe nắm quyền.