Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Lời thừa nhận hiếm thấy của ông Kim Jong Un

Lãnh đạo Triều Tiên cảnh báo sự lây lan của Covid-19 đã đẩy đất nước vào tình trạng biến động lớn giữa lúc nhiều người lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

dich Covid-19 o Trieu Tien anh 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã chủ trì hai cuộc họp của Bộ Chính trị trong chưa đầy 3 ngày sau khi nước này lần đầu tiên công bố ca mắc Covid-19 hôm 12/5.

Bất chấp lệnh phong tỏa được áp đặt trên toàn quốc, tới nay quốc gia chưa tiêm chủng ngừa Covid-19 này đã ghi nhận hơn 800.000 ca nghi nhiễm, với ít nhất 296.180 ca mới có triệu chứng sốt được công bố ngày 15/5, theo KCNA. Số ca tử vong theo ngày tăng 15 trường hợp, lên tổng cộng 42 người.

Trong cuộc họp khẩn thứ hai của Bộ Chính trị Triều Tiên hôm 14/5, ông Kim Jong Un đã mô tả vụ bùng phát Covid-19 là một "biến động lớn" sau hơn 70 năm nước này được thành lập.

Ông Kim đang đặt chính mình ở vị trí "trung tâm và mũi nhọn" trong nỗ lực ứng phó Covid-19 của đất nước", ông Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, nói với AFP.

"Ngôn từ mà ông Kim sử dụng cho thấy tình hình ở Triều Tiên có thể nghiêm trọng hơn trước khi nó được kiểm soát", vị chuyên gia nhận định.

Một số nhà quan sát nhận định bài phát biểu hôm 14/5 của ông Kim dường như “mở đường" cho việc tiếp nhận viện trợ quốc tế. Còn ông Leif-Eric Easley cho rằng đây cũng có thể là tín hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên đang “tập hợp quần chúng" để sẵn sàng cho “sự hy sinh hơn nữa”.

Triều Tiên đã đóng cửa biên giới từ đầu năm 2020. Không có phóng viên, nhân viên viện trợ hoặc nhà ngoại giao nào có thể thường xuyên ra vào quốc gia này, do đó các chuyên gia chỉ có thể phỏng đoán về tình hình thực tế tại Triều Tiên.

Một số thông tin hiếm hoi - như chưa có báo cáo về tỷ lệ vaccine, năng lực xét nghiệm hạn chế, cơ sở hạ tầng y tế công mỏng manh và tình trạng kinh tế đang gặp khó - làm dấy lên lo ngại về khó khăn diện rộng tại quốc gia gần 26 triệu dân.

dich Covid-19 o Trieu Tien anh 2

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị. Ảnh: KCNA.

Triều Tiên có thể đối phó với một đợt bùng phát quy mô lớn?

Trong cuộc họp hôm 14/5, KCNA cho biết giới chức Triều Tiên chủ yếu thảo luận về các cách phân phối nhanh chóng vật tư y tế từ nguồn dự trữ khẩn cấp để "giảm thiểu thiệt hại về tính mạng con người".

Tuy nhiên, một làn sóng Covid-19 có thể là thảm họa đối với Triều Tiên. Theo CNN, với cơ sở hạ tầng hạn chế, thiếu trang thiết bị xét nghiệm, các bệnh viện Triều Tiên khó có thể sàng lọc và điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân mắc căn bệnh truyền nhiễm này.

Ông Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin của Seoul, từng học tập ở Bình Nhưỡng, cho biết hệ thống y tế của Triều Tiên được thiết kế rõ ràng có lợi cho việc phòng tránh bệnh truyền nhiễm.

Hệ thống y tế quốc gia của Triều Tiên tự hào có tỷ lệ bác sĩ trên dân số cao. Hệ thống kiểm soát xã hội của Triều Tiên cho phép ngăn chặn sự di chuyển phức tạp của con người, do đó ngăn chặn sự lây truyền.

Nhưng trong khi các hệ thống của Bình Nhưỡng cung cấp một khả năng phòng thủ đáng kể trước bệnh dịch, thì cơ sở hạ tầng y tế của nước này lại thiếu nguồn lực và một phần dân số bị suy dinh dưỡng, yếu tố làm suy giảm hệ miễn dịch.

"Triều Tiên có nguồn cung cấp thuốc hạn chế đến mức trước đây, các quan chức y tế công cộng phải tập trung vào y tế dự phòng (phòng tránh bệnh tật). Họ sẽ không đủ trang bị để đối phó, điều trị với làn sóng dịch quy mô lớn", Jean Lee, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Woodrow Wilson có trụ sở tại Washington (Mỹ), nói với CNN ngay từ đầu đại dịch.

dich Covid-19 o Trieu Tien anh 3

Một nhân viên khử trùng bề mặt kính ở Bình Nhưỡng để hạn chế sự lây lan của virus. Ảnh: AP.

Choi Jung Hun, một cựu bác sĩ ở Triều Tiên, cho biết khi ông tham gia cùng đội ngũ y tế nước này chống lại đợt bùng phát bệnh sởi giai đoạn 2006-2007, Bình Nhưỡng không có đủ nguồn lực để hoạt động suốt ngày đêm và thiếu cơ sở cách ly.

Ông kể lại rằng sau khi xác định các trường hợp khả nghi, các bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân chuyển đến bệnh viện hoặc cơ sở cách ly để theo dõi.

"Vấn đề ở Triều Tiên là không tuân theo các đề nghị đó. Khi không có đủ thực phẩm cung cấp cho người dân tại các bệnh viện và cơ sở cách ly, mọi người đã trốn đi tìm thức ăn”, Choi cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào năm 2020.

Trong bối cảnh đó, truyền thông nhà nước cho biết ông Kim và các quan chức cấp cao khác của Triều Tiên đang quyên góp các loại thuốc dự trữ tư nhân để hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch của đất nước.

Đi theo mô hình chống dịch của Trung Quốc

Trong cuộc họp hôm 14/5, ông Kim bày tỏ lạc quan rằng đất nước có thể kiểm soát được đợt bùng phát dịch bệnh, đồng thời cho biết hầu hết vụ lây nhiễm đang xảy ra trong các khu vực đã được cách ly và không lây lan từ vùng này sang vùng khác.

Ông cũng kêu gọi cơ quan Triều Tiên “tích cực học hỏi các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 thành công" từ những quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc.

Triều Tiên trước đây đã từ chối đề nghị viện trợ vaccine Covid-19 từ Trung Quốc và chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong bối cảnh có suy đoán rằng nước này lo lắng về tác dụng phụ của vaccine hoặc các yêu cầu giám sát quốc tế liên quan đến tiêm chủng.

Tuy nhiên, tuần này, cả Bắc Kinh và Seoul đều đưa ra lời đề nghị viện trợ vaccine mới. Yang Moo Jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, nhận xét Triều Tiên "sẽ cố gắng lấy nguồn cung từ phía Trung Quốc".

Bên cạnh đó, ông Yang cho biết thêm có vẻ như Bình Nhưỡng "sẽ áp dụng cách tiếp cận chống virus theo kiểu Trung Quốc đối với các đợt phong tỏa trong khu vực".

dich Covid-19 o Trieu Tien anh 4

Nhân viên khử trùng tại cửa hàng tổng hợp thực phẩm Kyonghung ở Bình Nhưỡng ngày 10/11/2021. Ảnh: AP.

Dù vậy, một số chuyên gia cũng bày tỏ Triều Tiên không chắc sẽ yêu cầu giúp đỡ lúc này, bởi làm như vậy sẽ là thừa nhận sự thất bại của hệ thống chống dịch khẩn cấp được áp dụng cho đến nay và sẽ tác động đáng kể đến sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un.

Các nhà phân tích cũng cảnh báo ông Kim có thể đẩy nhanh kế hoạch thử hạt nhân của mình nhằm "đánh lạc hướng" sự chú ý khỏi đợt bùng phát Covid-19.

“Triều Tiên có thể sẽ gặp khó khăn lớn trong những tháng tới khi cố gắng ngăn chặn sự bùng phát của biến chủng Omicron”, ông Cheong Seong Chang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Sejong có trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc), nói. “Nhưng để nâng cao tinh thần, Triều Tiên có thể tập trung nhiều hơn vào các vụ thử tên lửa và hạt nhân”.

Bất chấp sự bùng phát Covid-19, hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Triều Tiên đã tiếp tục xây dựng một lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động từ lâu.

"Tôi không thể cho bạn biết khi nào lò phản ứng sẽ sẵn sàng hoạt động, nhưng nó lớn hơn khoảng 10 lần so với lò phản ứng hiện có ở Yongbyon", ông Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury viết trên Twitter hôm 14/5.

Ông nói thêm rằng nhà máy có thể sản xuất plutonium gấp 10 lần cho vũ khí hạt nhân.

Video ông Kim Jong Un chỉ đạo phóng tên lửa 'quái vật' Triều Tiên đăng video ấn tượng và đầy kịch tính về việc ông Kim Jong Un chỉ đạo phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17, được giới phân tích mệnh danh là "tên lửa quái vật".

Chuyện gì đang xảy ra trong đợt bùng dịch ở Triều Tiên?

Giới phân tích nhận định đợt bùng phát Covid-19 có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình thiếu lương thực, vốn đã rất nghiêm trọng trong năm nay của Triều Tiên.

Ông Kim lên tiếng về đợt bùng dịch gây 'biến động lớn' ở Triều Tiên

Triều Tiên ngày 15/5 báo cáo thêm 15 trường hợp tử vong do "sốt" sau khi nước này công bố ca mắc Covid-19 đầu tiên và ra lệnh phong tỏa trên toàn quốc.

Minh An

Bạn có thể quan tâm