Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không còn thấy xấu hổ khi kết hôn ở tuổi 40

Độ tuổi kết hôn trung bình ở Hàn Quốc ngày càng tăng khi nhiều phụ nữ trẻ lựa chọn độc thân để tập trung cho sự nghiệp. Điều này dần trở nên bình thường tại xứ sở kim chi.

Jung So-won sẽ bước vào lễ đường ngày 13/5 tới.

Nhưng không giống như nhiều cô dâu chú trọng đến từng chi tiết với hy vọng có đám cưới hoàn hảo, cô không cảm thấy căng thẳng, thậm chí không có ý định sơn móng tay trong ngày trọng đại.

“Sẽ không ai chú ý đâu”, cô nói và nở nụ cười.

Ở tuổi 41, Jung tự mô tả mình là cô dâu điềm tĩnh và thoải mái.

“Tôi chỉ làm theo trái tim mách bảo khi kết hôn ở độ tuổi này. Tôi cảm thấy rất thoải mái vì không phải quan tâm đến kỳ vọng của người khác”, cô nói với The Straits Times.

Jung, từ bỏ vị trí giám đốc phòng khám y tế để theo học ngành công tác xã hội, là một trong số ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc trì hoãn việc kết hôn cho đến khi ở độ tuổi 40-49. Các chuẩn mực và thái độ xã hội cũng đang thay đổi đối với chuyện hôn nhân.

Ket hon muon anh 1

Jung So-won (41 tuổi) cùng chồng sắp cưới Hong Woo-chul (45 tuổi). Ảnh: Jung So-won.

Kết hôn muộn hơn

Dữ liệu do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (Kostat) công bố vào tháng 3 cho thấy số lượng cô dâu ở độ tuổi đầu 40 nhiều hơn ở độ tuổi đầu 20 trong cả năm 2021 và 2022, đảo ngược xu hướng có từ năm 1990, khi cơ quan bắt đầu tổng hợp những con số này.

Trong số 192.000 cuộc hôn nhân được đăng ký vào năm 2022, 10.949 dành cho cô dâu 40-44 tuổi và 10.113 của những người 20-24 tuổi. Năm 2021, các con số lần lượt là 10.412 và 9.985.

Số phụ nữ kết hôn ở độ tuổi 20-29 giảm 93% từ năm 1997 đến năm 2022, trong khi thống kê này ở phụ nữ trong độ tuổi 40-49 tăng 50% so với cùng kỳ.

Các cuộc khảo sát cho thấy phụ nữ ở độ tuổi 20-29, so với các nhóm tuổi khác, có nhiều mâu thuẫn hơn về hôn nhân.

Nghiên cứu của Kostat được công bố năm 2022 cho thấy 35,1% đối tượng khảo sát ở độ tuổi đầu 20 cảm thấy “hôn nhân là cần thiết”, trong khi 42,3% người ở độ tuổi 40-49 cũng cảm thấy như vậy.

Các chuyên gia cho rằng tâm lý của những người ở độ tuổi 20-29 xuất phát từ sự bất an phải kiếm công việc tốt và mua nhà, cũng như căng thẳng về gánh nặng nuôi dạy con cái.

Ket hon muon anh 2

Nữ diễn viên Hàn Quốc Jang Nara kết hôn ở tuổi 41 với người đàn ông trẻ hơn vào tháng 6/2022. ẢNH: Lawon Munhwa.

Lee Kyung-min (23 tuổi) ưu tiên xây dựng sự nghiệp hơn hôn nhân.

“Tôi không nghĩ hôn nhân là điều phải thực hiện. Có rất nhiều thứ bạn có thể làm một mình, chẳng hạn như xem phim. Bạn cũng không nhất thiết phải cảm thấy cô đơn vì có thể đi chơi với hội bạn độc thân cũng không muốn lập gia đình”, cô nói.

Jung cũng tập trung vào sự nghiệp ở độ tuổi 20-29. Khi ngoài 30 tuổi, cô bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về hôn nhân và lý do mối quan hệ trước đây của mình không thành.

Jung đăng ký dịch vụ mai mối để gặp gỡ những người đàn ông tìm kiếm mối quan hệ nghiêm túc, nhưng không có kết quả.

Ngay khi có ý định bỏ cuộc, cô gặp một doanh nhân 45 tuổi tại câu lạc bộ khi đang tiệc tùng với bạn bè vào tháng 4/2022.

“Trong vòng một tháng, anh ấy hỏi cưới tôi”, cô nhớ lại.

Không còn cấm kỵ

Theo ông Kim Hyun-jung, phát ngôn viên của Đảng Dân chủ Hàn Quốc, kết hôn muộn không còn là điều cấm kỵ.

“Giờ đây, độ tuổi kết hôn trung bình cao hơn và có rất nhiều ‘quý cô vàng’”, ông nói trong chương trình trò chuyện trên kênh MBN, đề cập đến những phụ nữ chọn độc thân cho đến khi lớn tuổi để tập trung vào sự nghiệp.

Nhiều người nổi tiếng ở Hàn Quốc cũng có xu hướng kết hôn muộn. Năm 2022, nữ diễn viên Jang Na-ra (42 tuổi) và Gong Hyo-jin (43 tuổi) nói lời thề nguyện với những người đàn ông trẻ hơn họ. Cả hai đều kết hôn lần đầu.

Quan điểm cho rằng phụ nữ phải kết hôn ở độ tuổi 20-29 biến mất theo thời gian, nhà lập pháp Cho Eun-hee từ Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền lưu ý.

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 33,7 đối với nam và 31,3 đối với nữ vào năm 2022.

“Chúng tôi không còn coi phụ nữ lớn tuổi là ‘trinh nữ già’ và niềm tin rằng phụ nữ phải kết hôn cũng không còn nữa. Điều quan trọng hơn là hoàn thiện bản thân”, bà Cho nói.

Đề cập tới bộ phim Something In The Rain (2018) kể câu chuyện tình yêu giữa phụ nữ lớn tuổi và chàng trai trẻ hơn, bà nói: “Kết hôn với noona (người phụ nữ hơn tuổi) đang là xu hướng hiện nay. Ở thế hệ của mình, chúng tôi kết hôn với oppa (người đàn ông hơn tuổi). Nhưng các giá trị đã thay đổi. Ai cũng có thể tự do kết hôn với oppa, noona hoặc người nào đó cùng tuổi”.

Ket hon muon anh 3

Something In The Rain, do Son Ye Jin và Jung Hae In đóng chính, giúp thay đổi nhận thức về việc đàn ông trẻ kết hôn với phụ nữ lớn tuổi ở Hàn Quốc. Ảnh: Netflix.

Tuy nhiên, đối với phụ nữ, kết hôn muộn có thể gây khó khăn trong việc cố gắng thụ thai.

Bà Song In-ok, người đứng đầu phòng khám sinh sản Best of Me ở Seoul, khuyên các cô dâu ở độ tuổi 40-49 bắt đầu lên kế hoạch sớm để cải thiện cơ hội mang thai.

“Khi số lượng kết hôn muộn tăng lên, tình trạng vô sinh do chức năng buồng trứng suy giảm tương đối cũng tăng theo. Nếu kết hôn muộn, bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa khi có ý định mang thai và kiểm tra cẩn thận xem có bất thường về hormone hay không”, bà nói.

Trong khi đó, thủ đô Seoul đang mở rộng hỗ trợ cho các cặp vợ chồng lớn tuổi điều trị vô sinh nhằm giải quyết tỷ lệ sinh ngày càng giảm.

Tổng tỷ suất sinh của thành phố, hay số con trung bình mà một phụ nữ sẽ có, là mức thấp nhất quốc gia ở mức 0,59 vào năm 2022.

Chính quyền thành phố Seoul cho biết vào tháng 3 rằng sẽ dành 212,3 tỷ won trong 4 năm tới để giúp đỡ các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc thụ thai.

Điều này bao gồm các khoản trợ cấp lên tới 1,1 triệu won cho mỗi lần điều trị sinh sản, lên tới một triệu won cho mỗi lần kiểm tra dị tật bẩm sinh cho các bà mẹ từ 35 tuổi trở lên và lên tới 50% chi phí đông lạnh trứng cho phụ nữ 30-40 tuổi.

Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon hứa lập kế hoạch chi tiết cho các cặp vợ chồng hiếm muộn để giúp “biến ước muốn của họ thành hiện thực”.

Trong khi đó, Jung hy vọng có thể thụ thai tự nhiên.

“Tôi rất vui nếu có em bé, nhưng không quá phiền nếu điều này không xảy ra”, cô chia sẻ.

“Mọi người đề cập với tôi về việc đông lạnh trứng và thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng tôi tự hỏi liệu điều đó có cần thiết không. Chồng tôi muốn có con để tạo nên gia đình trọn vẹn, nhưng tôi không muốn nó trở thành nghĩa vụ hay điều gì đó phải thực hiện bằng mọi giá. Hiện tại, anh ấy muốn mở rộng kinh doanh, trong khi tôi muốn tập trung vào việc học”, Jung nói thêm.

TikTok phô bày cuộc sống không mua nhà, không kết hôn

Nhiều người dùng ở Trung Quốc cho biết họ đang chống lại xu hướng theo đuổi các kỳ vọng chung của xã hội, chấp nhận nằm yên và tận hưởng niềm vui từ cuộc sống độc thân.

Tại sao tình dục lại thú vị

Khi bước vào một căn phòng toàn những người xa lạ, chúng ta có thể cảm nhận được ai gây ấn tượng với mình chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhờ vào “sự hấp dẫn giới tính", bao gồm những dấu hiệu về tuổi tác, giới tính, tình trạng sinh sản và phẩm chất của mỗi cá nhân, cùng với đó là các đáp ứng kích thích được lập trình đối với những đặc tính tình dục và cả những đặc điểm khác nữa.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm